Đó là những loại thực phẩm vô hình nhưng lại vô cùng quan trọng đối với quá trình hình thành quan điểm sống, nhân cách. Chúng đến từ những gì ta nghe, nhìn, đọc, kết nối, chiêm nghiệm, thu lượm, đúc kết…
Phim ảnh là một trong những loại “thực phẩm” như thế, nhưng bổ ích hay không thì phải do sự chủ động định hướng. Mới đây, dư luận bất ngờ trước thông tin nhiều học sinh dưới 18 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh vẫn được mua vé vào rạp xem phim “Mai”-bộ phim đang dẫn đầu doanh thu phòng vé, được dán nhãn 18+. Sự việc khiến Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải vào cuộc, yêu cầu ngành Văn hóa các địa phương tăng cường kiểm tra các rạp chiếu phim. Theo quy định, rạp nào vi phạm sẽ bị phạt từ 40 đến 80 triệu đồng.
Sở dĩ phải dán nhãn phim là bởi mức độ tình cảm, bạo lực và cả kinh dị của từng phim không hẳn phù hợp với tất cả lứa tuổi (trừ phim thiếu nhi). Phim dán nhán 13+, 16+, 18+ là nhằm phân loại đối tượng khán giả, tránh những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức và tâm lý nếu chọn phim để giải trí nhưng không phù hợp. Sẽ rất “khó đỡ” nếu người xem chưa đủ tuổi xem “cảnh nóng” nào đó trong phim 18+, dẫn đến những nhận thức lệch lạc trong suy nghĩ.
Sách là người bạn đồng hành hữu ích, làm phong phú tâm hồn và vốn sống của mỗi người. Ảnh: P.D |
Gần đây, nhiều phụ huynh cũng ra sức phản đối loạt phim hoạt hình “Skibidi Toilet” đang làm mưa làm gió trên nhiều mạng xã hội. Đây là series phim không lời thoại mô tả cuộc xung đột giữa những bồn cầu có đầu người biết hát (gọi là Skibidi Toilet) và những nhân vật hình người, trên đầu gắn camera (cameramen), loa và ti vi. Với bối cảnh phim ở New York (Mỹ), Skibidi Toilet là đối tượng đang đe dọa loài người, còn các cameramen và loa thì liên minh để chống lại Skibidi Toilet.
Dù được một tạp chí mô tả là “điên cuồng, khó đoán, hài hước và đôi khi thực sự khiến người xem lo lắng” nhưng theo Wikipedia, từ đoạn video ngắn đầu tiên ra mắt vào tháng 2-2023 cho đến tháng 11-2023, những video YouTube liên quan đến Skibidi Toilet đã đạt đến 65 tỷ lượt xem.
Đáng nói, các hình ảnh kỳ quái của loạt phim này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ em. Nhiều trẻ bắt chước chui vào nhà vệ sinh rồi ngóc mặt lên cho giống Skibidi Toilet, lại có trẻ sợ hãi đến mức không dám đi vệ sinh. Lo ngại về tính độc hại, phụ huynh một số nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối.
Tiếp đó, kênh TikTok với các trào lưu thử thách nguy hiểm cùng nhiều nội dung bạo lực, thiếu tính giáo dục, có nguy cơ mất an toàn dữ liệu người dùng… cũng đang gặp phải làn sóng tẩy chay toàn cầu.
Những ví dụ trên cho thấy ý thức cao của một bộ phận người dân trong việc tiếp nhận sản phẩm văn hóa khi sẵn sàng từ chối những “thực phẩm” độc hại đối với tâm trí, nhất là với trẻ em-đối tượng rất cần sự chỉ bảo, định hướng trong quá trình trưởng thành và hoàn thiện nhân cách.
Tuy nhiên, phản đối cái độc hại không thôi thì chưa đủ mà các bậc cha mẹ nên chủ động lựa chọn, giới thiệu các loại “thực phẩm” thực sự bổ ích cho con trẻ. Nếu chỉ cấm cản mà không giải thích, không cho con những lựa chọn khác, trẻ sẽ không được giải tỏa tâm lý, không khỏi hoang mang.
Cũng là game nhưng vẫn có rất nhiều game vừa chơi vừa học, cũng là ti vi nhưng nếu biết khéo léo gợi mở thì sẽ giúp con tò mò khám phá thế giới tự nhiên, động-thực vật và cuộc sống quanh ta…
Hoặc để khơi gợi con trẻ tình yêu với văn hóa đọc thì phụ huynh cũng cần làm gương, bỏ chiếc điện thoại xuống để cùng con lật mở từng trang sách. Sách luôn là người bạn đồng hành hữu ích, làm phong phú tâm hồn và vốn sống. Không gì tốt hơn cho cả thân và tâm khi con người thực hành kết nối với thiên nhiên, cũng là kết nối với người thân trong gia đình thông qua hoạt động dã ngoại thay vì chìm đắm trong thế giới ảo.
Thực phẩm nào quyết định con người ấy, thực phẩm có lành mạnh thì thể chất và tinh thần mới khỏe khoắn, minh mẫn. Vậy nên, không thể mơ hồ và chủ quan mà hãy cẩn trọng lựa chọn, thậm chí là cảnh giác với những thứ ta tiêu thụ mỗi ngày.