(GLO)- L.T.S: Về việc tiếp tục triển khai thực hiện công tác dân vận theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) trong tình hình mới, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông HỒ VĂN ĐIỀM-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
P.V: Ông có thể giới thiệu khái quát những định hướng cơ bản được nêu trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới?
Triển khai công tác dân vận trong lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: T.N |
- Ông HỒ VĂN ĐIỀM: Nghị quyết 25 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã khái quát những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại và hạn chế, đề ra mục tiêu và 5 quan điểm chỉ đạo công tác dân vận (DV) trong thời kỳ mới. Đồng thời, định hướng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác DV-Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Hai là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội về vai trò, vị trí công tác DV trong tình hình mới. Ba là, tăng cường và đổi mới công tác DV của các cơ quan nhà nước. Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền và an ninh chính trị.
Năm là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sáu là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban DV, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh. Bảy là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác DV.
P.V: Như vậy, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về công tác DV trên địa bàn tỉnh thời gian tới là gì, thưa ông?
- Ông HỒ VĂN ĐIỀM: Xác định công tác DV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do vậy, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DV trong tình hình mới và chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nghị quyết.
Đồng thời từng địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế, đề ra những nội dung nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, thiết thực, có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, làm chuyển biến rõ nét về công tác xây dựng Đảng.
Quan tâm quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác DV phù hợp với tình hình ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống DV, MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp. Có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín và kinh nghiệm làm công tác DV. Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, hội quần chúng.
Nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức đoàn thể, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, sự gắn kết với tổ chức hội để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác DV, gắn với nhân rộng các mô hình và điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội...
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thanh Nhật (thực hiện)