Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 'còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn'.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 - ẢNH MINH THÀNH |
Các ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng việc giải ngân các gói hỗ trợ Covid-19 còn chậm, chưa đạt mục tiêu mong muốn và đề nghị Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện KT-XH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp (DN) và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 “còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn”.
Ông Thanh dẫn chứng cụ thể tới ngày 27.5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100/35.880 tỉ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỉ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỉ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỉ đồng đã nhận và giải quyết cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, DN với tổng số tiền trên 786 tỉ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ. Ông Thanh đánh giá các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị đánh giá kỹ thêm nguyên nhân, kể cả khách quan, chủ quan, và đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kế hoạch tiếp theo sẽ như thế nào. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị tập trung hỗ trợ DN, trong đó có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ có điều kiện, có tiêu chí cụ thể, bảo đảm DN có thể tiếp cận thuận lợi và tránh hiện tượng trục lợi chính sách. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ DN đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể tiếp tục thực hiện duy trì sản xuất. “Đối với các hỗ trợ cho người dân thì cần phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ các đối tượng thực sự bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, bà Thúy Anh đề nghị.
Theo LÊ HIỆP (TNO)