Tháng 11 hàng năm, Gia Lai tổ chức hàng loạt lễ hội văn hóa gắn với các hoạt động thể thao sôi động. Mở đầu cho chuỗi hoạt động năm nay là Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng diễn ra ở huyện biên giới Ia Grai (từ ngày 1 đến 3-11). Tiếp đến là Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (từ ngày 6 đến 12-11).
Sau đó sẽ là Ngày hội Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku (diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-11). Lễ hội cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản huyện Đak Đoa (diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-11) sẽ khép lại tháng 11 náo nhiệt, vui vẻ. Cùng với lễ hội, các giải thể thao như Giải chạy Half Marathon “Đánh thức vùng quê Chư Păh-Hành trình kết nối núi và hoa” hay “Gia Lai City Trail-Giấc mơ đại ngàn” cũng góp phần “đánh thức” vẻ đẹp của du lịch Gia Lai khi đưa các chân chạy qua những thắng cảnh nổi bật trên đường.
Tên gọi các lễ hội khẳng định sắc màu văn hóa của từng vùng đất. Thông qua không gian lễ hội, các địa phương có dịp quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, thiên nhiên, nông sản đặc trưng… đến đông đảo người dân và du khách. Các lễ hội thường niên không ngừng được làm mới, nâng tầm quy mô để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch của các địa phương.
Theo ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024, các hoạt động đã thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các doanh nghiệp, đơn vị và giải thưởng cũng được nâng tầm giá trị. Qua đó, người dân có thêm động lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tham gia, bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị nông sản địa phương.
Tương tự, tiếp nối thành công của 5 lần tổ chức trước đó, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm nay đã nâng lên quy mô cấp tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng ban tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2024-cho biết: “Hoạt động được nâng lên quy mô cấp tỉnh góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn, đầy đủ hơn chuỗi sự kiện và một trong những ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới đến bạn bè trong và ngoài nước”.
Các lễ hội diễn ra ở một số địa phương có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa góp phần mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách. Sức hấp dẫn, lan tỏa minh chứng bằng lượng khách tăng mạnh qua các năm. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô năm 2024 đã thu hút 20 ngàn lượt người tham quan (lễ hội năm 2023 thu hút 15 ngàn lượt). Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya ghi nhận lượt khách tăng so với những mùa lễ hội trước đó.
Các giải thể thao cũng góp sức kích cầu du lịch với con số ấn tượng. Nếu giải chạy “Gia Lai City Trail-Giấc mơ đại ngàn” năm 2023 thu hút 4.000 vận động viên thì năm nay số vận động viên tăng lên 7.000 người. Giải chạy diễn ra cùng với các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku lan tỏa thương hiệu du lịch độc đáo “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Sức nóng của lễ hội thể hiện rất rõ qua hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Theo thống kê qua các năm, công suất khai thác buồng, phòng dịp lễ hội đạt 80-90%.
Anh Ung Đoàn Thanh Vũ-Quản lý Khách sạn Khánh Linh (TP. Pleiku) cho biết: Trong chuỗi lễ hội tháng 11 này, lượng khách lưu trú của khách sạn tăng 30-40%. Giải chạy Gia Lai City Trail diễn ra ngày 17-11 nhưng nhiều khách đã đặt phòng từ khá sớm. “Chúng tôi in nội dung các chương trình lễ hội treo trước khách sạn và bên trong sảnh đón giúp khách lưu trú có thêm thông tin về các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Gia Lai mùa này”-anh Vũ cho biết thêm.
Còn theo ông Chu Văn Chỉ-Chủ nhà hàng ẩm thực truyền thống Tơ Nưng: “Chuỗi lễ hội tác động rất rõ khi lượng thực khách đến nhà hàng cũng như du khách đến Gia Lai mùa này tăng cao. Lượng khách tăng cũng có nghĩa nguồn thu tăng. Nó đồng thời phản ánh hiệu quả của công tác đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh. Mặt khác, từ chuỗi lễ hội, người dân có thêm sinh kế và nâng cao ý thức làm dịch vụ, du lịch”.
Nội dung, hình ảnh, thiết kế: MINH CHÂU