Các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào thị trường khách quốc tế với hình thức du lịch nội khu dài ngày mà vẫn tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19
Ngành du lịch TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Kiên Giang đang tìm giải pháp phục hồi hoạt động du lịch quốc tế sau dịch Covid-19; trong đó đáng lưu ý là xây dựng Đề án thí điểm đón khách quốc tế.
Tập trung vào thị trường an toàn về dịch
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, tính đến hết tháng 8-2020, số du khách đến TP Nha Trang chỉ đạt 19,8%, tổng doanh thu 8 tháng ước đạt 24,4% so với cùng kỳ năm 2019. Để phục hồi hoạt động du lịch, sở đặt mục tiêu đón 350.000 lượt khách du lịch vào quý IV, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế.
Năm 2019, khách Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc chiếm đến 93% lượng khách quốc tế của tỉnh Khánh Hòa. Sau dịch Covid-19, đây vẫn là các thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, xu hướng du lịch hậu Covid-19 đã thay đổi rất nhiều. Theo dự báo của các chuyên gia, từ đầu năm 2021, khách du lịch quốc tế sẽ bắt đầu trở lại. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã bắt đầu đón khách. Xu hướng tìm kiếm chuyến bay đi du lịch châu Á - Thái Bình Dương đang tăng lên.
|
Nga là thị trường trọng điểm đón khách du lịch của tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM |
Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng trong nhóm khách quốc tế, khách Nga là thị trường khả quan nhất vì khách Nga đến Khánh Hòa ở dài ngày và ít di chuyển. Nước Nga cũng đã có vắc-xin ngừa Covid-19, dù chưa chứng minh được hiệu quả nhưng có thể tính đến việc đón khách Nga.
Hướng đến khách ở dài ngày
Trong khi đó, ông Herbert Laubichler-Pichler, tổng quản lý khu nghỉ mát Alma, cho rằng để tạo điều kiện cho du khách quốc tế thì cần gia hạn thời gian miễn phí thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Nếu du khách phải cách ly 14 ngày theo quy định thì vẫn còn 16 ngày để vui chơi, tham quan. Đoàn khách du lịch theo kiểu trọn gói, chỉ được ở trong các khu nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Việt Nam cần tính đến việc cấp thị thực có thời gian lưu trú 6 tháng cho khách du lịch châu Âu để thu hút người cao tuổi đi du lịch tránh đông.
Còn ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Quản lý điểm đến Outbox, cho biết qua khảo sát, 76% du khách trong độ tuổi 25-34 và 65% du khách độ tuổi từ 18-24 đang cân nhắc đi du lịch trở lại. Sau dịch Covid-19, du khách có xu hướng lựa chọn chuyến đi ngắn ngày hơn, đến các điểm gần, quan tâm nhiều hơn đến yếu tố an toàn và kinh tế (giá rẻ)... Vì vậy, du lịch cần nghiên cứu giải pháp về thị trường khách quốc tế theo phân khúc (độ tuổi, sở thích).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Dũng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Phú, cho hay công ty này đã phối hợp với ngành công an, y tế, du lịch tổ chức thành công việc đón chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Khánh Hòa để làm việc. Các chuyên gia trước khi nhập cảnh được xét nghiệm âm tính với Covid-19, sau đó thực hiện cách ly trong khách sạn.
Theo ông Lâm, mới đây, Công ty Cavitours của Mỹ có văn bản đề nghị hợp tác. Công ty Cavitours cho biết đã điều hành trực tiếp nhiều chuyến chuyên cơ trong dịch Covid-19 dành cho các chuyên gia bay vào Việt Nam công tác. Từ thông tin Chính phủ cho phép công dân Việt Nam về nước theo hình thức cách ly tự nguyện, tự trả phí nên phía Cavitours mong muốn chọn Nha Trang làm nơi thực hiện đưa người Việt về quê. Công dân Việt Nam khi hồi hương sẽ trả phí và cách ly tại các khu du lịch.
"Đây là hướng đi cho du lịch hiện nay theo hình thức nội khu. Tức là du lịch nghỉ dưỡng theo hình thức cách ly trong phạm vi khu du lịch. Người Việt hồi hương, người nước ngoài muốn nghỉ đông hoàn toàn có thể tham gia hình thức này. Chính phủ sẽ giảm tải kinh phí, người Việt có thể hồi hương, đơn vị lữ hành lưu trú vượt qua cơn khó khăn" - ông Lâm nói.
Đề xuất này cũng đang được ngành du lịch TP Đà Nẵng nghiên cứu. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay sở này cũng đã lên ý tưởng và đang thực hiện kế hoạch thu hút khách quốc tế đến nghỉ dưỡng. Đà Nẵng sẽ tập trung vào các thị trường khách quốc tế phù hợp với yêu cầu chống dịch. Ngoài ra, việc thí điểm đón khách quốc tế nghỉ dưỡng nội khu cần hướng đến lượng khách có thể lưu trú dài ngày. Nếu ngắn ngày thì hết 14 ngày cách ly, thời gian ở lại sẽ không được bao lâu. Đối tượng khách mà sở này nhắm đến là người đã nghỉ hưu, khách tham gia các câu lạc bộ golf... từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Bình cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng Đề án thí điểm đón khách quốc tế nghỉ dưỡng nội khu phải bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch và đặt quy trình an toàn phòng chống dịch lên trên hết. Cùng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, khẳng định việc thí điểm đón khách quốc tế nghỉ dưỡng nội khu phải có chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của ngành y tế. Các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành mong chờ cơ quan có thẩm quyền sớm đưa ra chủ trương để đón khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch.
"Khách du lịch quốc tế cũng đang mong việc mở lại các đường bay để kết nối du lịch. Trước hết là khai thác song phương với các thị trường đã ổn định. Ví dụ hôm 30-9, Singapore đã cho phép người Việt Nam sang và họ hướng dẫn các thủ tục nhập cảnh. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng" - ông Dũng nói.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết sở đã làm việc với một số cơ sở lưu trú, lực lượng công an, y tế để đưa ra những kịch bản trong trường hợp các chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc được nối lại. Trước đó, Sở Du lịch đã đề xuất xây dựng đề án thí điểm đón khách quốc tế du lịch nội khu đối với du khách Hàn Quốc khi đến Phú Quốc. Theo ông Dũng, vấn đề này đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, Tổng cục Du lịch cũng đang cân nhắc. Hiện Phú Quốc vẫn tiến hành xây dựng phương án này để bảo đảm an toàn cho du khách nội địa và người dân huyện đảo, khi đón các chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc. Ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, cho biết lượng khách nội địa đến Phú Quốc đã bắt đầu tăng lên. H.Tuấn |
Theo NLĐO