Thu hút đầu tư: Tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù dịch Covid-19 gây ra tác động không nhỏ nhưng công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong những tháng đầu năm vẫn đạt những kết quả khả quan.

Nhiều kết quả khả quan

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư trên 30 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 17.420 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 302 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đăng ký khoảng 80.000 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký hơn 81 triệu USD. Đến nay, 130 dự án đang triển khai.

Dự án điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Đại Lộc (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Dự án điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Đại Lộc (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy


Trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư, khả quan nhất vẫn là các dự án chăn nuôi. Cụ thể có 82 dự án đề nghị đầu tư với tổng vốn khoảng 10.539 tỷ đồng. Hiện có 22 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất; 4 dự án đang trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất và 56 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu. Ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hùng Nhơn Group-cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Với Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa tỉnh nhà trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên”.

Lĩnh vực trồng rừng cũng rất được các doanh nghiệp quan tâm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 119 dự án được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất với tổng vốn đăng ký gần 11.100 tỷ đồng. Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng được chú ý như xây dựng cơ sở hạ tầng với 19 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 508 tỷ đồng; công nghiệp chế biến 4 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 42 tỷ đồng…

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hình thức kêu gọi, thu hút đầu tư thông qua hội nghị, hội thảo không thể tổ chức. Tuy nhiên, tỉnh đã triển khai một số giải pháp mang tính đột phá như: tăng cường phối hợp với các cơ quan xúc tiến đầu tư trung ương, cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để quảng bá, kêu gọi đầu tư.

Vừa chống dịch vừa thu hút đầu tư

Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Song, công tác thu hút đầu tư vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm đúng mức. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo: “Chúng ta phải thu hút đầu tư đúng hướng bằng cách đẩy mạnh các dự án mang tính chất kết nối và lan tỏa; khai thác được tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới dự án liên kết vùng, phù hợp với địa phương và gắn với các dự án lớn của tỉnh. Tất cả phải tập trung quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội”.

 Thi công móng trụ turbine điện gió Ia Pếch 1 (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Duy
Thi công móng trụ turbine điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Hà Duy

Dự kiến trong năm 2021, Gia Lai kêu gọi đầu tư 226 dự án ở các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thương mại-du lịch và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 56 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) thuộc 4 lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng 21 dự án; công nghiệp chế biến nông-lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng 25 dự án; nông-lâm nghiệp 4 dự án; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch 6 dự án. Các dự án này được đầu tư tại các huyện: Mang Yang, Ia Grai, Chư Sê, Ia Pa, Chư Prông, Chư Păh, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku.
 

Với định hướng đó, Gia Lai đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, tập trung nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay: “Gia Lai xây dựng kịch bản đảm bảo năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển theo chính sách: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa với việc thúc đẩy kêu gọi đầu tư là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần thiết. Sở tập trung rà soát và đăng ký danh mục dự án đầu tư mới, trong đó, các dự án thuộc danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư năm 2021 và các năm tiếp theo phải thuộc lĩnh vực, địa bàn được quy hoạch, ưu tiên dự án có trong kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Danh mục dự án có thông tin đầy đủ về quy mô, mặt bằng, địa điểm và hình thức đầu tư, không ảnh hưởng đến môi trường… để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt thông tin”.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu nghiên cứu và khảo sát tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng cường quảng bá danh mục kêu gọi đầu tư, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện internet, truyền thông đại chúng… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XII, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư, tỉnh nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án tại địa phương. Số doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào tỉnh ngày một tăng với nhiều dự án có quy mô lớn. Các dự án đầu tư này đã và đang mở ra những kỳ vọng mới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.