Thị trường nông sản thế giới tuần qua: Giá gạo và càphê Việt Nam tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng giữa bối cảnh nguồn cung chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình bão lũ và sạt lở đất ở khu vực miền Trung.

Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng giữa bối cảnh nguồn cung chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình bão lũ và sạt lở đất ở khu vực miền Trung của đất nước.

Trong khi đó, những khó khăn trong khâu trung chuyển hậu cần cũng là nguyên nhân khiến các đơn hàng xuất khẩu của Ấn Độ chậm lại.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần này đã tăng lên 495 USD/tấn, so với mức 485-490 USD/tấn của tuần trước đó.

Một thương nhân ở tỉnh An Giang cho biết nguyên nhân là do “nguồn cung gạo đang khan hiếm, trong khi nhu cầu trong nước lại tăng lên khi hàng triệu người dân ở miền Trung của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt trận lũ lụt và sạt lở đất”.

Theo dữ liệu từ Chính phủ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn tháng 1-10/2020 được dự báo sẽ giảm 4% so với một năm trước đó, xuống còn 5,29 triệu tấn.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng đang chậm lại do sự tắc nghẽn tại một cảng hàng quan trọng.

B. V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết: "Các vấn đề trong khâu hậu cần đã làm hoạt động xuất khẩu chậm lại. Trong khi đó, giá cước vận tải container tăng mạnh cũng ảnh hưởng đến các thương nhân."

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống mức 370-375 USD/tấn so với 372-377 USD/tấn của tuần trước.

 

Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Giải thích về diễn biến này, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kakinada ở bang Andhra Pradesh cho biết sự mất giá của đồng rupee đã cho phép các nhà xuất khẩu chào bán gạo với giá cạnh tranh hơn.

Tại Bangladesh, quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng nguồn cung gạo ngày càng cạn kiệt trong khi giá nội địa tăng đột biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong bối cảnh đó, Bangladesh dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lượng gạo thu mua bắt đầu từ vụ thu hoạch vào giữa tháng 11 tới, sau khi những nỗ lực nhằm tăng cường nguồn cung trước đó không đạt mục tiêu.

Bộ Lương thực Bangladesh cho biết chính phủ sẽ mua 650.000 tấn giống lúa Aman được tưới bằng nước mưa từ nông dân, tăng so với khoảng 380.000 tấn được mua vào năm ngoái.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 452-480 USD/tấn từ mức 435-440 USD/tấn được ghi nhận một tuần trước đó, do nhu cầu trong và ngoài nước tăng cao.

Thị trường càphê châu Á

Những cơn mưa xối xả và bão lũ dày đặc đã phá hủy một số vùng trồng càphê trọng điểm của Việt Nam trong tuần qua và đe dọa đến triển vọng thu hoạch của cả nước.

Cơn bão Molave, cơn bão có cường độ mạnh nhất đã đổ bộ vào quốc gia sản xuất càphê lớn thứ hai thế giới, làm ngập các vùng trũng trồng càphê lớn và thậm chí làm hỏng cả những trái càphê đang chín trên cây.

Tình trạng thời tiết không thuận lợi đã khiến giá càphê tại Việt Nam tăng lên mức 1.3962-1.4652 USD/tấn thay vì 1.3402-1.4221 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.

Dự báo thời tiết của trung tâm khí tượng và thủy văn của Việt Nam cho thấy diễn biến thời tiết ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục xấu đi với những cơn mưa bất thường trong 10 ngày tới.

 

Hạt càphê được chế biến tại xưởng Antong ở Taiping, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hạt càphê được chế biến tại xưởng Antong ở Taiping, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Một thương nhân có trụ sở tại Tây Nguyên cho biết: “Chưa có ước tính về tác động của cơn bão nhưng lượng mưa liên tục đã khiến hạt càphê không thể chín và sẵn sàng để thu hoạch.”

Trong khi đó Brazil, nhà sản xuất càphê hàng đầu thế giới, đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu càphê trong tháng 9. Hội đồng các nhà xuất khẩu càphê của Brazil cho biết nước này đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu bao càphê trong tháng 9/2020, tăng 8,6% so với hồi tháng 9/2019.

Thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ

Kết thúc phiên giao dịch 30/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô gần như không thay đổi, giá lúa mỳ giảm còn giá đậu tương tăng.

Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 vẫn được giữ nguyên ở mức 3,985 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 5,25 xu Mỹ, tương đương 0,87%, xuống còn 5,985 USD/bushel.

Giá đậu tương giao tháng 1/2020 tăng 5,75 xu Mỹ, tương đương 0,55%, lên mức 10,5625 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Theo công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago, thị trường nông sản CBOT không tránh khỏi những xáo động giữa bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo sẽ bán 121.500 tấn đậu tương Mỹ cho một điểm đến không được công bố trong niên vụ 2020/21. Ngoài ra, giới truyền thông cũng đưa tin rằng một lô hàng ethanol của Mỹ cuối cùng cũng được chuyển đến Trung Quốc.

 

Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Trong khi đó, dữ liệu về sản lượng ngô của Ukraine tiếp tục gây thất vọng với quy mô thu hoạch chỉ ở mức 28,4 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với dự báo của USDA là 36,5 triệu tấn.

Thời tiết cũng được dự báo khô và hầu như không có mưa ở Argentina và khu vực phía Nam của Brazil trong 12 ngày tới.

Hiện tượng thời tiết La Nina đang tăng cường nhanh chóng là một mối lo ngại vì La Nina sẽ dẫn đến điều kiện thời tiết khô hạn trên khắp hai khu vực này.

Theo Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm