Thị trường bán lẻ vật liệu xây dựng: Sức mua giảm mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khảo sát các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh cho thấy, sức tiêu thụ VLXD từ đầu năm đến nay giảm 20-50% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chủ cửa hàng, dự báo thị trường trong thời gian tới cũng chưa thể khởi sắc, bởi Gia Lai đã bước vào mùa mưa.

Là doanh nghiệp kinh doanh VLXD được cho là ăn nên làm trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Sơn-Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nguyệt (đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku) cho biết: Những năm trước, công nhân làm không hết việc, điện thoại đặt hàng liên tục. Tuy nhiên, vài năm gần đây, thị trường VLXD rất ảm đạm.

Ông Sơn lấy ví dụ, vài năm trước, trung bình mỗi ngày Công ty bán khoảng 200-300 tấn xi măng nhưng từ đầu năm đến nay lượng xi măng bán ra chỉ còn khoảng 50-60 tấn/ngày. Ngoại trừ thời điểm tháng 3 giá sắt, thép tăng đột biến (tăng khoảng 3.000 đồng/kg) trong khoảng 20 ngày thì từ đầu năm 2016 đến nay, giá các loại VLXD khác khá ổn định. Cụ thể, giá xi măng dao động trong khoảng 78.000-82.000 đồng/bao; cát bê tông 280.000-350.000 đồng/m3; gạch 1.200-1.210 đồng/viên… Mức giá này ngang với mức bình quân được duy trì trong 3 năm trở lại đây, nhưng sức tiêu thụ rất chậm.

Ông Sơn cũng nhẩm tính, cùng kỳ năm trước, doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 2-3 tỷ đồng, nhưng nay chỉ đạt 1,5 tỷ đồng. “Để bù đắp thiếu hụt, ngoài VLXD, doanh nghiệp phải bán thêm các loại hàng trang trí nội thất”-ông Sơn chia sẻ.
 

 

                                                           Sắt xây dựng tại một cửa hàng VLXD

Có 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực VLXD, ông Lê Hoàng Nam-Giám đốc Công ty TNHH Vật tư Xây dựng Hoàng Nam (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cũng thừa nhận sức mua trên thị trường VLXD giảm sút, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2016. Ông Nam cho biết, trung bình doanh thu mỗi tháng của Công ty đạt 3 tỷ đồng, giảm 20% so với năm ngoái. Về nguyên nhân, ông Nam nhận định là do kinh tế khó khăn, nhu cầu xây dựng nhà ở trong dân giảm so với những năm trước đây. Ngoài ra, do người dân thắt chặt chi tiêu nên cắt giảm các chi tiết làm đẹp nhà cửa.

“Dự báo, trong 6 tháng cuối năm, thị trường VLXD còn khó khăn hơn. Bởi, hiện tại đã bước vào mùa mưa, thời tiết không thuận lợi cho việc thi công các công trình nên nhu cầu tiêu thụ VLXD sẽ giảm. Chúng tôi phải cân đối lượng hàng tồn kho, đồng thời ước lượng đầu ra để lấy hàng, tránh tồn kho nhiều mà giá thành VLXD lại có thể giảm”-ông Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng-chủ một doanh nghiệp cung cấp VLXD tại TP. Pleiku cho biết, thị phần chia nhỏ nên doanh thu của các cửa hàng thấp hơn so với trước đây. Các công trình không khởi công do mưa thì VLXD không thể bán chạy cũng là điều dễ hiểu. Thời điểm này, giá thép tại các nhà máy đang được bán ra phổ biến ở mức 15,5-15,8 triệu đồng/tấn (chưa kể VAT), nhưng để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp còn phải tăng chiết khấu, khuyến mại cho các đại lý.

Tuy nhiên, trái ngược với các nhà phân phối bán lẻ, lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp sản xuất tăng mạnh do bán thẳng cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng của các công trình lớn. Còn các doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng và thép xây dựng thì hướng tới thị trường xuất khẩu. Nhưng theo ông Hưng, đây chỉ là biện pháp tình thế do giá trị hàng hóa xuất khẩu mang lại không cao.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.