Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những sai sót nhỏ để lại hậu quả lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 1 triệu thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trong tuần sau. Không ít thí sinh hồi hộp lo lắng, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc khiến điểm số không như ý. Vậy làm sao để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi?
Một trong những điều thí sinh cần đặc biệt lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là các vật dụng mang vào phòng thi

Một trong những điều thí sinh cần đặc biệt lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là các vật dụng mang vào phòng thi

Những sai lầm thí sinh nên tránh

Khi đến ngày thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh lo lắng hồi hộp, áp lực căng thẳng dẫn đến quên sót và để xảy ra những sai lầm đáng tiếc.

Có những sai lầm, đôi khi rất nhỏ, nhưng nếu không chú ý sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đó là thí sinh không chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ giấy tờ, dụng cụ, vật dụng dự thi, quên thẻ dự thi, CMND/CCCD…; Ngủ không đủ giấc, nhịn đói đi thi, không uống đủ nước, đi thi muộn, học tủ, học lệch, chủ quan không ôn thi, không rà soát lại bài trước khi thi; Mang điện thoại vào phòng thi, sử dụng chất kích thích (trà đặc, cà phê đậm, nước tăng lực…); Lạc đề, không đọc kỹ đề bài, không kiểm tra kỹ đề thi, nhập sai số liệu vào máy tính.

Đó còn là việc quên ghi tên vào bài làm, ghi thiếu thông tin, ghi sai mã đề thi, ghi sai số báo danh, quên tô đáp án, tô sai đáp án, tô một câu hai đáp án, bỏ trống ô trả lời, quên sao chép từ giấy nháp sang giấy làm bài thi, viết tắt theo thói quen, viết nhiều ký hiệu, gạch đầu dòng tùy tiện, không rõ ý, không khoa học, bảo quản không tốt bài thi (giấy làm bài thi bị gãy gập, hư hỏng, mất bài thi…).

Không để ý thời gian làm bài thi, nghĩ quá nhiều, suy nghĩ và làm quá lâu một câu, quá tập trung vào câu khó trước, ra khỏi phòng thi sớm mà không kiểm tra kỹ lại bài thi, suy nghĩ quá nhiều về môn đã thi xong… cũng được xem là những điều thí sinh nên tránh.

Những lưu ý cần thiết dành cho thí sinh

Thông thường, gần đến ngày thi thí sinh khá áp lực, lo lắng, ăn uống không điều độ ảnh hưởng nhất định đến thể trạng, sức khỏe. Muốn có kết quả tốt, trước hết thí sinh phải có sức khỏe tốt, có kế hoạch học tập và thư giãn hợp lý để lấy lại sự cân bằng cần thiết, dành thời gian để tập thể dục, nghe nhạc, xem phim, có chế độ ăn uống đúng bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm bổ dưỡng: thịt, cá, trứng, sữa, hoa quả tươi, rau xanh…

Tuyệt đối không ăn uống các thực phẩm lạ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh, gây nên một số bệnh đáng tiếc khi đi thi như đau bụng, tiêu chảy, sốt… Tốt nhất, thí sinh phải ăn chín uống sôi, ăn những món ăn quen thuộc. Trước ngày thi không nên thức khuya hoặc dậy quá sớm, ngủ đủ giấc để nạp lại năng lượng và tinh thần sảng khoái, chọn khung giờ học phù hợp, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như trà đậm, cà phê đặc, nước tăng lực…

Trước ngày thi không nên học ôn với cường độ cao, chỉ cần rà soát lại kiến thức đã học. Để tập trung kiến thức cho từng môn thi tốt hơn, có thể ôn tập lại kiến thức bằng cách ghi dàn ý lại những thông tin quan trọng, ghi lại từ khóa, công thức, khái niệm...

Việc chuẩn bị kỹ "hành trang" giúp thí sinh không thiếu sót gì trước khi đi thi. Do đó, trước ngày đi thi 1-2 ngày, thí sinh cần chuẩn bị các giấy tờ quan trọng như thẻ dự thi, CMND/CCCD, các vật dụng được mang vào phòng thi theo quy định. Máy tính bỏ túi cần phải thay pin mới, không nên mượn máy tính lạ chưa quen sử dụng.

Giữ vững tâm lý phòng thi

Muốn có được tâm lý vững vàng trước kỳ thi, thí sinh cần có mặt tại điểm thi trước giờ gọi vào phòng thi ít nhất 30 phút.

Khi nhận giấy thi và giấy nháp, hãy kiểm tra tất cả các trang xem có gì bất thường không, nếu có bất thường liên hệ ngay với thầy/cô giám thị để đổi giấy thi và giấy nháp. Cẩn trọng viết các thông tin chính xác vào giấy thi và giấy nháp, những gì chưa rõ có thể trao đổi công khai với thầy cô giám thị để được hướng dẫn kỹ hơn. Khi nhận đề thi, cần kiểm tra các trang của đề thi đã đầy đủ, rõ ràng chưa.

Tuyệt đối không bị "ám thị" phòng thi, bình tĩnh "chiến đấu" đến giây phút cuối cùng. Nếu làm xong bài thi sớm không nên ra về vội, hãy đọc và kiểm tra kỹ lại bài thi 1-2 lần nữa. Những câu còn phân vân có thể làm lại vào giấy nháp để chắc chắn hơn, điều này có lợi cho thí sinh vì khi đã nộp bài ra khỏi phòng thi coi như không còn cơ hội "sửa sai" trong bài thi nữa.

Sau khi kết thúc mỗi môn thi, hãy quên môn thi đã hoàn thành và cố gắng tập trung cao độ cho các môn tiếp theo, kỳ tích sẽ đến với bạn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Có thể bạn quan tâm

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.