Thể thao Việt Nam "đốt" giáo án, gánh 2 sự kiện lớn năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với việc Olympic dời từ năm 2020 sang 2021, thể thao Việt Nam phải điều chỉnh để vừa chuẩn bị lực lượng tranh tài ở Olympic Tokyo vào tháng 7 vừa đóng vai chủ nhà ở SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Thạch Kim Tuấn là niềm hy vọng số 1 cử tạ VN ở Olympic. Ảnh: Độc Lập
Thạch Kim Tuấn là niềm hy vọng số 1 cử tạ VN ở Olympic. Ảnh: Độc Lập
Đảo lộn kế hoạch
Ngày 24.3, Ủy ban Olympic quốc tế cùng chủ nhà Nhật Bản có quyết định lịch sử: dời Olympic 2020 sang cùng thời điểm năm 2021 nhằm “né” đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Quyết định chẳng đặng đừng này được hầu hết quốc gia ủng hộ dù làm đảo lộn mọi kế hoạch lẫn tiêu tốn không ít chi phí.
Đội tuyển bắn cung Việt Nam (VN) sớm giành vé dự Olympic 2020 với hai suất của Đỗ Thị Ánh Nguyệt (nữ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ (nam) đều ở nội dung cung 1 dây. Ông Phan Trọng Quân, phụ trách bộ môn bắn cung Tổng cục TDTT, cho biết: “Việc hoãn Olympic 2020 sang đến 2021 mới có thể tổ chức, chắc chắn tác động không nhỏ đến quá trình chuẩn bị của chúng tôi. Phải thay đổi lại toàn bộ kế hoạch và tính toán lại chu kỳ huấn luyện.
Trước mắt, chuyến tập huấn tại Hàn Quốc phải hủy bỏ vì dịch Covid-19. Khối lượng công việc của ban huấn luyện không hề ít đi mà sẽ vất vả hơn bởi còn phải lập phương án chuẩn bị cho hai sự kiện lớn đều diễn ra trong năm 2021. Vì chỉ khoảng 4 tháng sau khi dự Olympic, hai VĐV Ánh Nguyệt và Phi Vũ lại thi đấu tại SEA Games 31. Phong độ của VĐV từng thời điểm khác nhau nên mỗi một thời điểm phải có sự đánh giá lại, nhằm đưa ra hướng huấn luyện sao cho phù hợp nhất”.
Tính đến thời điểm này, đội tuyển bơi cũng đóng góp 1 suất chính thức của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (anh đạt 2 chuẩn A Olympic) và 1 suất đi bằng “cửa phụ” của Nguyễn Thị Ánh Viên. Bà Lê Thanh Huyền, phụ trách bộ môn bơi Tổng cục TDTT, nói: “Với Huy Hoàng, chúng tôi xác định anh sẽ thi đấu nội dung 1.500 m tại Olympic và tại SEA Games 31 sẽ gồm 3 nội dung (1.500 m, 400 m và 800 m).
Cũng khá may khi Hoàng là VĐV có tâm lý cực vững nên việc dời Olympic không tác động lớn đến anh. Hiện tại dù chuyên gia Hoàng Quốc Huy chưa thể từ Trung Quốc sang nhưng hằng ngày, ông vẫn giám sát chặt chẽ từng buổi tập của Hoàng qua kênh trực tuyến. Tuy giám sát từ xa nhưng chỉ cần một động tác không đúng hoặc thành tích không tốt như giáo án do chính chuyên gia đưa ra, Hoàng sẽ được điểu chỉnh ngay lập tức. Chuyên gia đốc thúc thường xuyên, còn VĐV và HLV phải báo cáo đầy đủ, chi tiết khối lượng tập luyện”.
Với đội tuyển thể dục dụng cụ, việc hoãn Olympic có thể sẽ mang đến một số ích lợi. HLV Trương Minh Sang lý giải: “Chúng tôi mong muốn Lê Thanh Tùng là VĐV đã đoạt vé dự Thế vận hội lọt vào đến tận vòng chung kết. Mà muốn thế, bắt buộc Tùng phải nâng cấp bài biểu diễn nội dung nhảy ngựa lên tầm cao mới. Có thêm 2 động tác cực khó mà cần phải có nhiều thời gian, Tùng mới có thể thực hiện hòa quyện, nhuần nhuyễn. Hoãn Olympic, thầy trò chúng tôi có thêm điều kiện trau dồi kỹ thuật. Nếu đấu trường đỉnh cao là Olympic mà thi đấu tốt thì đến SEA Games càng có lợi”.
Cũng như Lê Thanh Tùng, việc dời Olympic 1 năm giúp võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương, người bất ngờ đoạt vé tham dự Olympic có thêm thời gian rèn giũa kỹ chiến thuật lẫn tâm lý. “Nguyễn Văn Đương có sức mạnh nhưng còn khiếm khuyết về kỹ thuật, tâm lý thi đấu. Chúng tôi muốn cần có thời gian để tìm chuyên gia hoặc đưa Đương đi tập huấn dài hạn, thi đấu ở nước ngoài để hướng đến thành tích cao ở Olympic. May quá, Olympic dời tận 1 năm là cơ hội quý để đầu tư chu đáo cho Đương cũng như giúp những VĐV khác tìm kiếm cơ hội đoạt thêm vé đến Tokyo”, phụ trách môn boxing VN Vũ Đức Thịnh chia sẻ.
Nguyễn Huy Hoàng (phải) hứa hẹn làm nên chuyện ở Olympic. Ảnh: Khả Hòa
Nguyễn Huy Hoàng (phải) hứa hẹn làm nên chuyện ở Olympic. Ảnh: Khả Hòa
Ở môn cử tạ hiện cầm chắc 2 suất của Thạch Kim Tuấn (nam), Hoàng Thị Duyên (nữ) cũng bị đảo lộn kế hoạch, phải “đốt” giáo án làm lại. Ông Đỗ Đình Kháng, phụ trách môn cử tạ VN, cho biết nếu hết dịch bệnh, tuyển cử tạ sẽ đi tập huấn nước ngoài để cải thiện thành tích. Bằng không các em vẫn tập huấn trong nước, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình huấn luyện nhằm canh điểm rơi phong độ ở Olympic sau đó là SEA Games 31.
Sẵn sàng cho mục tiêu kép
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết với tình hình dịch bệnh hiện nay việc dời Olympic nằm trong dự báo của VN. Thể thao VN sẽ bận rộn vào năm 2021 khi vừa đấu Olympic vừa lo cho công tác chủ nhà ở SEA Games 31. “Tôi cho rằng việc hoãn Olympic không ảnh hưởng nhiều đến thể thao VN bởi đằng nào chúng ta cũng phải chuẩn bị tốt cho SEA Games 31 diễn ra cuối năm. Vì thế công tác chuẩn bị cho VĐV vừa dự Olympic sau đó tham dự SEA Games mang tính liên thông. Thậm chí nếu nhìn ở mặt tích cực là cơ hội để các VĐV có thêm thời gian tập huấn cho cả hai đại hội”, ông Vương Bích Thắng nói.
Trước đó do lo ngại dịch bệnh leo thang, VN đã rút hết các VĐV tập huấn, thi đấu ở nước ngoài về nước. Các VĐV, HLV đang được cấm trại tập luyện ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trong cả nước nhằm đảm bảo chuyên môn, đề phòng dịch bệnh. Hiện sau quyết định của BTC Olympic, các liên đoàn thể thao quốc tế còn điều chỉnh lịch thi đấu vòng loại Olympic, VN sẽ theo dõi để kịp thời nắm bắt, cử VĐV tham dự để tiếp tục săn vé đến Tokyo.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các giải đấu trong nước của thể thao VN khi nhiều giải đấu phải hủy, hoãn trong tháng 3 và nhiều khả năng tiếp tục hoãn trong tháng 4 tới nếu dịch bệnh chưa thể kiểm soát.
Ngoài ra, việc chuẩn bị cho đăng cai SEA Games 31 cũng đang chựng lại. Vì thế Tổng cục TDTT sẽ theo dõi kỹ tình hình dịch bệnh, kịp thời phối hợp tổ chức các giải đấu ngay khi điều kiện cho phép nhằm giúp các VĐV cọ xát, trui rèn chuyên môn, tuyển chọn thêm tài năng bổ sung cho đội tuyển làm nhiệm vụ ở Olympic lẫn SEA Games. Bên cạnh đó sẽ triển khai ngay các phần việc SEA Games khi thể thao “nóng” trở lại và phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các hạng mục, chương trình, thời gian, địa điểm thi đấu các môn cho SEA Games và công tác quảng bá.
Lãnh đạo Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam cũng khẳng định sẽ quyết tâm đảm bảo sẵn sàng để hoàn thành tốt nhất mục tiêu kép trong năm 2021 là có thành tích tại Olympic và đăng cai thành công SEA Games 31.
Theo Lan Phương - Hoàng Quỳnh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.