Thế giới rộn ràng chuẩn bị đón năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thế giới đếm ngược đến thời khắc giao thừa với những kế hoạch chào mừng năm mới khác nhau, nhưng đều kỳ vọng vào một năm tốt đẹp và may mắn hơn.

Từ các màn trình diễn pháo hoa rực rỡ tại nhiều nước cho đến những phong tục đón năm mới độc đáo của các nền văn hóa khác nhau, thế giới đang rộn ràng chuẩn bị bước sang năm 2024 với những mong ước về một năm mới luôn tràn đầy những điều tốt đẹp.

Hoạt động diễn tập mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại ở Mỹ hôm 29.12. ẢNH: REUTERS

Hoạt động diễn tập mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại ở Mỹ hôm 29.12. ẢNH: REUTERS


24 giờ đón năm mới

Theo tạp chí Travel + Leisure, đảo quốc Kiribati ở Thái Bình Dương sẽ là nước đầu tiên đón năm mới (17 giờ ngày 31.12 tại VN) và trước trọn ngày so với một số nơi, khi các nước lần lượt đón năm mới theo 24 múi giờ. Nước thứ 2 đón năm mới là New Zealand khi thời khắc giao thừa đến trước tại quần đảo Chatham phía cực đông nước này. Tiếp theo là các nước như Fiji, một số vùng thuộc Nga, rồi đến Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Năm nay, TP du lịch Queenstown nổi tiếng tại New Zealand sẽ tiếp tục có một trong những màn trình diễn pháo hoa đầu tiên trên thế giới mừng năm mới. Tiếp đó là màn trình diễn pháo hoa phía trên cầu cảng Sydney và Nhà hát Opera Sydney tại Úc. Dự kiến năm nay bên cạnh khoảng 1 triệu người xem trực tiếp, màn trình diễn pháo hoa tại Sydney còn thu hút hơn 425 triệu người xem trực tuyến. Sydney thường tổ chức những màn trình diễn pháo hoa hoành tráng trên cầu cảng từ năm 1976. Dự kiến năm nay có 8 tấn pháo hoa được bắn trong 8 phút vào lúc 21 giờ và 12 phút lúc giao thừa (giờ địa phương).

Trang trí đón năm mới tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. ẢNH: REUTERS

Trang trí đón năm mới tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. ẢNH: REUTERS

Mỹ là nước có những vùng lãnh thổ đón năm mới sau cùng là đảo Baker và Howland không người ở Thái Bình Dương. Trước đó là Hawaii (Mỹ) và các đảo ở khu vực Polynesia thuộc Pháp và vùng Alaska (Mỹ).

Nhiều sự kiện thu hút

Theo Đài NBC, Quảng trường Thời đại ở TP.New York (bang New York, Mỹ) là một trong những nơi thu hút nhất đối với du khách cũng như người địa phương dịp đón năm mới.

Đại lộ Nevsky ở TP.Saint Petersburg (Nga) trang trí đèn rực rỡ dịp năm mới. ẢNH: REUTERS

Đại lộ Nevsky ở TP.Saint Petersburg (Nga) trang trí đèn rực rỡ dịp năm mới. ẢNH: REUTERS

Năm nay, hoạt động mừng năm mới tại đây có màn trình diễn của các ca sĩ Flo Rida, Paul Anka, Megan Thee Stallion, Tyla, Sabrina Carpenter, Jelly Roll, Maria Becerra và Yng Lvcas, kèm theo nhiều hoạt động khác. Trong 120 năm qua, Quảng trường Thời đại luôn thu hút sự chú ý dịp giao thừa kể từ khi tòa nhà One Times Square bắt đầu tổ chức mừng năm mới vào năm 1904 và hạ quả cầu từ năm 1907. Năm nay, hàng trăm tấm pha lê của quả cầu đã được thay thiết kế mới với họa tiết hình nơ hoa. Quả cầu sẽ được hạ xuống từ đỉnh tòa nhà trong thời khắc chuyển giao sang năm 2024. Dự kiến có gần 1 triệu người theo dõi trực tiếp và khoảng 1 tỉ người trên thế giới theo dõi trực tuyến sự kiện đếm ngược đón giao thừa tại đây.

Khu mua sắm Ameya-Yokocho ở Tokyo (Nhật Bản) đông đúc trước thềm năm mới. ẢNH: AFP

Khu mua sắm Ameya-Yokocho ở Tokyo (Nhật Bản) đông đúc trước thềm năm mới. ẢNH: AFP

Tại London (Anh), tháp đồng hồ Big Ben sẽ điểm thời khắc chuyển sang năm mới theo truyền thống, trong khi pháo hoa thắp sáng bầu trời gần cầu London. Vé xem pháo hoa ở những khu vực tại đây đã bán hết, nhưng có thể vẫn còn vài chỗ trên các chuyến du thuyền sông Thames. Tại Paris (Pháp), tháp Eiffel sẽ có màn trình diễn ánh sáng ấn tượng, nhưng khu vực đông đúc nhất dự kiến là đại lộ Champs-Elysées, nơi mọi người thường đến các quán bar, nhà hàng để chờ đón năm mới, trước màn trình diễn pháo hoa 8 phút vào giao thừa cùng bữa tiệc âm thanh, ánh sáng hoành tráng.

Truyền thống cầu may

Với mong muốn một năm mới bình an và may mắn, nhiều nước trên thế giới có những truyền thống độc đáo vào dịp này, như tại Brazil mọi người mặc đồ toàn màu trắng để cầu chúc may mắn và an lành. Nhiều người tại nước này còn ra bãi biển nhảy qua 7 con sóng và mỗi lần nhảy đều cầu một điều ước trong năm mới. Theo tạp chí Time, người Brazil còn có tập tục cúng thần biển Yemanja, cảm ơn nữ thần vì đã ban may mắn trong năm cũ và sau khi nhảy sóng, họ đi thẳng lên bờ mà không quay lại để tránh vận rủi.

Tại Đan Mạch, làm vỡ chén đĩa dịp năm mới lại là điều may mắn và mọi người đập vỡ chén đĩa trước cửa nhà bạn bè, người thân. Đến hôm sau, nhà nào càng có nhiều mảnh vỡ trước cửa thì càng may mắn. Tại Tây Ban Nha và một số nước Mỹ La tinh, nhiều người ăn đúng 12 quả nho vào lúc 12 tiếng chuông đồng hồ báo hiệu giao thừa để cầu ước năm mới sẽ có trọn 12 tháng may mắn. Còn tại Scotland và Hy Lạp, nhiều người tin rằng vị khách đầu tiên bước vào nhà dịp năm mới có thể mang lại may mắn hay xui xẻo cả năm. Do đó, họ thường chọn bạn bè và người thân xông đất dịp năm mới để cả nhà luôn gặp may mắn.

Thế giới rộn ràng chuẩn bị đón năm 2024 ảnh 5

Người dân Brazil cúng nữ thần biển Yemanja tại bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro trước thềm năm mới. ẢNH: REUTERS

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.