Liên quan đến vụ mua bán đất rừng trái phép tại xã Quảng Sơn - Đak G'long, hiện Sở NN&PTNT tỉnh Đak Nông đã chính thức vào cuộc thanh tra toàn diện Công ty Nguyên Vũ của gia đình nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh.
Đất rừng bị bán tại Công ty Nguyên Vũ. |
Theo đó, vào ngày 22-6, ông Lê Trọng Yên (Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đak Nông) cho biết ông đã kí quyết định thành lập đoàn để thanh tra toàn diện việc triển khai thực hiện dự án quản lý kinh doanh rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ ở xã Quảng Sơn, huyện Đak G’long, tỉnh Đak Nông.
Ông Trần Mậu Dũng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông được cử là Trưởng đoàn thanh tra, thời hạn thanh tra 30 ngày.
Nhiệm vụ của Đoàn thanh tra lần này nhằm thanh tra hồ sơ pháp lý về đất đai, về giao rừng, việc chấp hành các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước, việc quản lý và sử dụng đất.
Trước đó, Báo Infonet đã có loạt bài đề cập tới nội dung trên, vào đầu năm 2016, UBND tỉnh Đak Nông cho Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (xã Quảng Sơn, huyện Đak G’long, tỉnh Đak Nông) do bà Nguyễn Thị Kim Thoa (vợ của ông Lương Ngọc Lếp, nguyên phó Giám đốc Công an tỉnh Đak Nông) làm giám đốc, thuê hơn 162 ha rừng nằm dọc QL28 xã Quảng Sơn, trong đó có hơn 156 ha rừng thông.
Tuy nhiên, trong một đợt kiểm tra, Đoàn liên ngành của Sở NN-PTNT và Sở TN-MT Đak Nông đã phát hiện diện tích rừng được giao cho Công ty Nguyên Vũ bị giảm mạnh, trong đó có khoảng 60% diện tích rừng thông bị chết. Trên diện tích rừng của Công ty Nguyên Vũ đã bị giảm hơn 26 ha và bị người dân lấn chiếm hơn 14ha sau 1 năm được tỉnh cho thuê.
Tại thời điểm kiểm tra, trên đất dự án công ty này có 4 ngôi nhà xây kiên cố và bán kiên cố, 7 ngôi nhà gỗ và lợp tôn. Ngoài ra, còn có tình trạng sang nhượng đất trái phép trên khu vực dự án.
Điều đáng nói, trong Quyết định cho thuê đất của tỉnh Đắk Nông thì Công ty Nguyên Vũ chỉ được sử dụng diện tích trên vào mục đích quy hoạch quản lý khai thác nhựa thông, trồng bơ, trồng và chăm sóc rừng trồng. Nhưng đến nay, có một diện tích lớn rừng thông đã bị chặt phá và sang nhượng cho người dân lấy đất sản xuất.
Theo Infornet