Thanh niên Kông Chro thi đua làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đoàn Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tích cực phát động phong trào thi đua lao động sản xuất nhằm tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Phong trào đã khuyến khích thanh niên nỗ lực lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Chúng tôi vừa có dịp tham quan mô hình trồng cây công nghiệp của anh Long Văn Tường (thôn 2, xã Chơ Long). Từ xa, chúng tôi đã thấy ngôi nhà mới nổi bật giữa vườn cà phê, hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Anh Tường cho hay, ngôi nhà mới xây hết hơn 1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này do vợ chồng anh tích góp từ việc bán nông sản trong nhiều năm.
Anh Long Văn Tường (bên trái; xã Chơ Long, huyện Kông Chro) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh
Anh Long Văn Tường (bên trái; xã Chơ Long, huyện Kông Chro) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Tường kể, năm 2014, anh ra ở riêng và được bố mẹ cho 4 ha bắp và mía. Nhưng do thiếu vốn đầu tư, giá cả nông sản lại không ổn định nên hiệu quả sản xuất thấp. Do đó, anh vay 40 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chuyển đổi sang trồng cà phê, hồ tiêu. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định. Tiền bán nông sản, anh tái đầu tư và mua thêm đất sản xuất.

“Đến nay, gia đình tôi có 3 ha cà phê, 1,5 ha gỗ tếch, gần 1 ha rau màu. Diện tích đất còn lại, tôi trồng 1.800 trụ hồ tiêu, trong đó có 600 trụ đã cho thu hoạch. Ngoài ra, tôi trồng xen gần 200 cây bơ, mít trong vườn cà phê, hồ tiêu và nuôi gà thả vườn. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng”-anh Tường chia sẻ.

Cách đây 10 năm, anh Đinh Hlinh (tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro) được bố mẹ cho 3 ha đất đồi. Tuy nhiên, do đất đai bạc màu nên năng suất mì đạt thấp. Thông qua tổ chức Đoàn, anh Hlinh vay 50 triệu đồng để mua bò và chuyển đổi cây trồng. Đến nay, anh đã xây dựng được mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi rộng 6 ha, trong đó có 1,5 ha keo, 4,5 ha cỏ và cây rau màu, bắp, mì, nuôi 8 con bò, 6 con trâu. Anh cũng đã mua được máy cày, xe công nông để phục vụ gia đình và làm thuê kiếm thêm thu nhập.
“Đầu năm 2021, tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để cải tạo khuôn viên trước nhà mở cửa hàng tạp hóa. Cộng tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, gia đình tôi  thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-anh Hlinh phấn khởi nói.
Tương tự, anh Mai Chí Hoàng (thôn 6, xã An Trung) cũng là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Năm 2018, khi ra ở riêng, anh Hoàng mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi 3 ha mía sang trồng khổ qua, dưa leo, đậu, bí, ớt và mua 3 con bò về nuôi. Anh cho biết: “Đến nay, đàn bò đã phát triển thành 6 con. 3 ha rau màu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với trồng mía”.
Đoàn viên, thanh niên huyện Kông Chro tham quan mô hình trồng trọt hiệu quả trên địa bàn huyện. Ảnh: Ngọc Minh
Đoàn viên, thanh niên huyện Kông Chro tham quan mô hình trồng trọt hiệu quả. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Công Xuân-Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro-thông tin: Những năm qua, Huyện Đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp; vận động gia đình thanh niên vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt. Huyện Đoàn đang quản lý 24 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 28 tỷ đồng/921 hộ vay. Từ nguồn vốn này, nhiều thanh niên có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình sản xuất. Toàn huyện có gần 20 trang trại, hàng trăm gia trại của thanh niên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro, thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục tuyên truyền, vận động thanh niên mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; định hướng thanh niên phát triển mô hình chăn nuôi heo đen bản địa, trồng cây ăn quả; áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Huyện Đoàn phối hợp Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn ở các xã chưa có để thanh niên tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn; chú trọng hoạt động tuyên truyền khởi nghiệp.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.