Thanh niên An Khê nuôi chí làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), nhiều thanh niên đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.



Anh Đinh Thép (SN 1986) được coi là một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở làng Hòa Bình, xã Tú An. Năm 2009, anh được cha mẹ cho 4 ha đất ở vùng đồi núi cao để trồng mì. Do đất bạc màu nên năng suất mì đạt thấp.

Tích góp được chút vốn trong quá trình đi làm thuê, năm 2011, anh chuyển 1 ha mì sang trồng bạch đàn. 4 năm sau, anh bán vườn bạch đàn được hơn 40 triệu đồng. Anh dùng số tiền này mua thêm đất, mua bò và đầu tư trồng keo.

 Anh Đinh Thép (xã Tú An, thị xã An Khê) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: N.M
Anh Đinh Thép (xã Tú An, thị xã An Khê) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh


Cứ mở rộng dần sản xuất như thế, đến nay, anh Thép đã có đàn bò 12 con. Ngoài ra, anh còn sở hữu 7 ha keo, 2 ha mì, lúa rẫy và hơn 1 ha trồng cỏ voi nuôi bò lai. Anh Thép cho hay: “Hiện nay, giá bò thịt dao động trong khoảng 35-40 triệu đồng/con, trừ chi phí, tôi đạt lợi nhuận gần 10 triệu đồng/con. Cộng với tiền bán keo và mì, tổng cộng mỗi năm tôi có thu nhập 120-150 triệu đồng”.

Một điển hình khác là anh Đinh Đang (SN 1989, làng Pốt, xã Song An). Anh Đang chia sẻ: “Trong thời gian đi chặt keo và bạch đàn thuê, tôi thấy 2 loại cây này có giá cả và đầu ra ổn định. Vì vậy, năm 2011, tôi bắt đầu chuyển đổi 3 ha trồng bắp, mì kém hiệu quả sang trồng keo và bạch đàn. Năm 2015, tôi bán keo và bạch đàn được gần 200 triệu đồng. Tôi sử dụng toàn bộ số tiền này để mua rẫy mở rộng thêm diện tích trồng rừng. Đến nay, tôi có tổng cộng 15 ha keo và bạch đàn”.

Được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, đầu năm 2018, anh Đang mạnh dạn xây dựng trại nuôi gà ngay trong vườn keo. Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 con gà thương phẩm, thu lãi gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất bìa rừng, bãi cỏ, anh Đang còn nuôi 9 con trâu, 8 con bò và 12 con dê.

Khác với anh Thép và anh Đang, chàng trai 28 tuổi Nguyễn Hữu Nhơn (thôn Xuân An 3, xã Xuân An) lại chọn nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Anh Nhơn bộc bạch: “Năm 2017, nắm bắt nhu cầu thị trường, tôi dùng 500 triệu đồng tích góp được trong 3 năm đi thực tập sinh ở Nhật Bản để mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Nhờ làm ăn uy tín, cửa hàng ngày càng có đông khách đến mua. Năm 2019, lợi nhuận thu được gần 1 tỷ đồng”.

Lợi nhuận thu được từ kinh doanh vật liệu xây dựng, anh Nhơn dùng một phần đầu tư thu mua mai cảnh về cắt tỉa để bán Tết. Đến nay, anh đã xây dựng được vườn mai rộng gần 9.000 m2. “Trồng mai tuy đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng bù lại cây càng lâu năm thì giá trị kinh tế càng cao; nhu cầu chơi mai ngày càng nhiều, nhất là vào dịp Tết. Do đó, tôi quyết định chọn kinh doanh mai cảnh nhằm đa dạng hướng đầu tư, nâng cao thu nhập”-anh Nhơn chia sẻ. Không dừng lại ở đó, mới đây, anh Nhơn đầu tư hơn 60 triệu đồng xây trại nuôi dúi.

Chàng trai 28 tuổi Nguyễn Hữu Nhơn (bên phải; thôn Xuân An 3, xã Xuân An, thị xã An Khê) làm giàu bằng mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng. Ảnh: Ngọc Minh
Anh Nguyễn Hữu Nhơn (bìa phải; thôn Xuân An 3, xã Xuân An, thị xã An Khê) có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Ảnh: Ngọc Minh


Ngoài 3 điển hình nói trên, tại thị xã An Khê còn có nhiều thanh niên nông thôn cũng được coi là tấm gương lao động sản xuất giỏi như anh Nguyễn Trung Thành (SN 1996, xã Cửu An) với mô hình trồng cam, quýt theo hướng VietGAP; anh Lê Ngọc Dũng (SN 1989, xã Xuân An) với mô hình nuôi hươu lấy nhung; anh Hà Tiến Mạnh (SN 1992) và anh Nguyễn Công Thành (SN 1996, cùng ở xã Thành An) với mô hình nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn quả, nuôi cá trắm đen...

Anh Vũ Việt Cường-Phó Bí thư Thị Đoàn An Khê-cho biết: Nhiều thanh niên tích cực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và quê hương. Để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, thời gian tới, Thị Đoàn tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học-công nghệ ứng dụng vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn; tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên phát huy tiềm năng lợi thế, tìm tòi các mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao để triển khai.

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Siu H’Thư: Nữ công nhân ưu tú

Siu H’Thư: Nữ công nhân ưu tú

(GLO)- Không chỉ phấn đấu trở thành công nhân ưu tú của đơn vị, chị Siu H’Thư-công nhân Đội 12 (Công ty TNHH một thành viên 72, Binh đoàn 15) còn giúp đỡ những công nhân khác cùng tiến bộ.
10 gương mặt trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023

10 gương mặt trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023

T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) quyết định trao Giải thưởng KH-CN Quả cầu vàng năm 2023 cho 10 tài năng trẻ xuất sắc. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tài năng trẻ VN (không quá 35 tuổi) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực KH-CN, nhằm thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, ứng dụng KH-CN,
Nhân viên báo vụ đam mê sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Nhân viên báo vụ đam mê sáng kiến cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Tại Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Bộ Tham mưu (Quân đoàn 3) tổ chức mới đây, sáng kiến “Tổ hợp dùng cảm biến âm thanh để chuyển mạch thu, phát máy vô tuyến điện VRU-812” của Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Dũng (Đại đội 1, Tiểu đoàn Thông tin 29, Bộ Tham mưu) được đánh giá cao vì tính ứng dụng, góp phần đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn.
Ươm mầm sáng tạo khoa học kỹ thuật

Ươm mầm sáng tạo khoa học kỹ thuật

(GLO)- Nhiều năm qua, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai đã trở thành sân chơi bổ ích, ươm mầm sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.