Tháng 8 khả năng ít bão kỷ lục?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo dự báo, trong tháng 8, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 7, trên Biển Đông đã xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và 1 cơn bão.

Tháng 8 khả năng ít bão hơn TBNN cùng thời kỳ

Tháng 8 khả năng ít bão hơn TBNN cùng thời kỳ

Cụ thể, chiều tối 13.7, vùng áp thấp trên vùng biển phía tây của khu vực giữa Biển Đông mạnh lên thành ATNĐ và di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 10 - 15 km/giờ. Đến sáng sớm 16.7, ATNĐ suy yếu thành một vùng thấp trên vùng biển Quảng Trị - Đà Nẵng.

Bão số 2 (Prapiroon) là cơn bão hình thành trên Biển Đông từ một vùng áp thấp. Sáng 19.7, vùng áp thấp trên vùng biển phía đông của khu vực giữa Biển Đông mạnh lên thành ATNĐ. ATNĐ di chuyển đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa và mạnh lên thành bão vào ngày 21.7. Đến sáng 22.7, sau khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão số 2 mạnh lên cấp 10, giật cấp 12.

Sáng sớm 23.7, sau khi đổ bộ vào vùng biển ven bờ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ bão giảm nhanh, xuống cấp 8 - cấp 9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành ATNĐ và đi vào đất liền tỉnh Quảng Ninh.

Do ảnh hưởng của bão số 2 nên vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 - cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - cấp 10, giật cấp 12. Trên đất liền, Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - cấp 9, giật cấp 10.

Bão số 2 đổ bộ vào đất liền đã chấm dứt chuỗi ngày kỷ lục không có bão ở Việt Nam lên đến 640 ngày. Cơn bão gần nhất đổ bộ vào đất liền là bão số 5 (Sơn Ca) ngày 15.10.2022. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm 8 cơn bão trên Biển Đông nhưng không có cơn bão nào đổ bộ nước ta, với 7/8 cơn bão đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc.

Cơ quan khí tượng nhận định, trong tháng 8, hoạt động của bão, ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng ít hơn so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN 2 - 3 cơn bão, ATNĐ).

Đến tháng 9, Việt Nam sẽ chịu tác động của La Nina, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ diễn biến rất phức tạp. Theo dự báo, trong điều kiện La Nina, Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 4 - 6 cơn bão, ATNĐ; trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão, ATNĐ TBNN trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 4 - 5 cơn, TBNN đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2 cơn).

Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), nhận định hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 - tháng 11).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng do vừa trải qua giai đoạn El Nino từ năm 2023 nên nền nhiệt trên nước biển rất cao. Về mặt lý thuyết, nhiệt độ biển càng cao thì năng lượng hình thành dễ hơn, đây là yếu tố bất lợi tạo ra những cơn bão ngay trên Biển Đông.

Các nghiên cứu của cơ quan khí tượng thế giới đều cho rằng, năm nay sẽ xuất hiện nhiều bão mạnh (từ cấp 11 - 12 trở lên). Bởi nền nhiệt trên nước biển rất cao khiến bão dễ hình thành và hình thành trong điều kiện có La Nina nữa thì có thêm hệ thống xoáy.

"Đây là những căn cứ để chúng tôi đánh giá trạng thái bão năm nay ở mức xấu, bất ngờ, mạnh", ông Khiêm cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.