Thâm trầm thành cổ Tà Kơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở vùng đất xa xôi của tỉnh Bình Định, có một nơi sẽ gây tò mò với những người lần đầu đến xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Đó là thành đá cổ Tà Kơn. Chỉ vỏn vẹn có mấy từ thôi nhưng để khám phá di tích này thật sự cũng không dễ.

Từ lâu, vùng đất Vĩnh Sơn đã được xem như xứ “Đà Lạt của Bình Định” bởi khí hậu ôn đới, nhiều thắng cảnh đẹp hội tụ. Nằm trên núi cao, gần 800 m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn mang nét đẹp nguyên sơ, đặc trưng riêng. Đặc biệt, nơi đây có thành cổ Tà Kơn khá lạ.

Thành đá nằm trong rừng, cách đường chính gần 4 km, lối rẽ vào băng qua một ba-ri-e do trạm kiểm lâm kiểm soát. Đường vào khá nhỏ, nhiều biển báo chỉ dẫn ở những chỗ nguy hiểm bởi con đường nhỏ lắt léo như rắn trườn, qua khúc này lại quẹo khúc kia, chưa kể đường dốc lên, dốc xuống thất thường.

Những ai chưa từng đặt chân tới, hẳn sẽ nghĩ đây là di tích một tòa thành cổ bằng đá, nhưng có lẽ chữ “thành” ở đây mang ý nghĩa khác. Theo ngôn ngữ của người Ba Na, “Tà Kơn” có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý nói những tảng đá chồng lên nhau một cách bí ẩn khó có thể giải thích được. Quả thật, nơi đây có những khối đá hình lăng trụ chồng khít lên nhau, kéo dài khoảng hơn trăm mét, dốc theo triền núi. Những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ. Nhìn bức tường thành bằng đá hùng vĩ giữa rừng già, hình dung lại những trận chiến bảo vệ lãnh địa của người Ba Na xưa có thể từng xảy ra nơi đây, bây giờ tất cả lại chìm trong trầm mặc và rêu phong giữa núi rừng. Tưởng tượng là vậy, nhưng thực chất đây là những phiến đá được hình thành do biến đổi kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Những khối đá hình lục lăng, hình trụ xếp liền kề lên nhau, tạo nên bức tường sừng sững, đứng hùng vĩ giữa đại ngàn Vĩnh Sơn.

Thành Tà Kơn đã đi vào sử thi và trở thành huyền thoại của cư dân Ba Na Kriêm. Tương truyền, khu vực thành Tà Kơn khi xưa là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa. Ngày nay, thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 25/12/2013.

Có thể bạn quan tâm

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.