Nghe thác ghềnh kể chuyện suối sông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi men theo những dòng sông, con suối trên miền cao nguyên và chọn thác ghềnh là điểm dừng chân sau bộn bề công việc để nghe thác ghềnh kể chuyện ngàn năm. Và, trong hành trình trên khắp nẻo non cao ấy, tôi như gặp lại mình cùng tuổi trẻ đã qua.

1. Tôi vẫn nhớ, ở điểm đầu Hà Giang có dòng sông Nho Quế chảy miên man qua bao hẻm vực núi đá vôi nhấp nhô. Còn sông Hồng đỏ nặng phù sa lại xuất phát từ thượng nguồn xa thẳm, đi dọc trung du, xuôi về châu thổ đồng bằng Bắc Bộ trước khi đổ ra biển lớn. Rồi con nước Mê Kông hùng vĩ, mênh mang ngút tầm mắt vùng đồng bằng Tây Nam Bộ mỗi mùa nước nổi.

Vậy nên, khi lang thang trên nhiều nẻo Tây Nguyên, tôi khá thích thú khi gặp những con sông mang trong mình ghềnh thác nhưng dòng chảy êm ả như suối. Nước từ thác ghềnh len lách kẽ đá, rừng cây tuôn chảy xuống thành suối. Nhiều nhánh suối nhỏ hòa vào một dòng chảy khác kết lại thành dòng sông hoặc miết mải đổ ra sông lớn hay vui chơi quên ngày tháng, quên cả bến bờ. Tiếng sông suối lúc rì rầm, lúc réo rắt kể chuyện ngày đêm không ngơi nghỉ.

Bên dòng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: N.T.D

Bên dòng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: N.T.D

Như hôm mới đây, tôi cất công tìm đến dòng thác êm đềm chảy qua làng Bahnar thuần hậu với những nóc nhà san sát vào nhau, trong ngàn năm mây trắng trên đỉnh Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Đứng trên đỉnh thác, có thể thấy dòng Pờ Yầu chạy ngang trước mắt. Thảng hoặc, từ thượng nguồn chảy về dập dềnh đôi thân gỗ mục.

Ngày tôi đến, nắng lấp lóa trên sông không dứt. Mùa này, thác mênh mang con nước; khi róc rách luồn qua những khe đá, lúc lại ào ạt tràn lên các triền đá, rồi tỏa ra xa. Có những đoạn, nước đang chảy bỗng nhiên mất hút vào trong lòng đá, rồi lại đột ngột hiện ra trong xanh tung trắng cả miền xa. Không cần yên lặng, không đòi hỏi sự tập trung, tôi cũng có thể dễ dàng nghe thác đổ xôn xao mấy quãng, vang xa cả mấy đoạn, nghe chảy tràn, loang loáng ánh bạc tựa như miền mây trắng bềnh bồng cả núi rừng. Kể ra, bên gió núi rầm rì, nghe suối sông thầm thĩ, tâm hồn chợt bớt xao động và bình lặng hơn. Mới hay, một chiều nghe tiếng thác xa, lòng mình cũng mềm dịu ra nỗi buồn.

Tôi chưa lý giải được nguyên cớ, rằng mỗi khi lặng yên bên thác ghềnh và luôn thấy chúng cũng tình tự như tôi, trót đa mang vương vấn như tôi. Mỗi lần chảy trôi đi chẳng biết bao giờ trở lại, mỗi lần theo dòng chẳng biết đến khi nào sẽ dừng...

2. Tôi đắm nhìn dòng thác tuy nhỏ nhưng quanh năm nước không bao giờ cạn. Màu nước hôm trời tĩnh lặng thì xanh trong, ngày đứng gió thì long lanh xanh bóng, buổi bão giông lại ửng đỏ như pha sắc mặt trời. Với người làng, dòng thác này đã nuôi dưỡng họ bao đời. Từ tắm gội, uống ăn... dân làng đều nương vào dòng nước. Hay như con cá, con tôm cũng phần nào giúp bữa ăn của bà con thêm tươi ngon, đủ đầy. Ngay cả viên sỏi, hạt cát cũng vắt lòng hiến dâng.

Được sự đồng ý, tôi di chuyển đến rìa thác từ con thuyền của người dân địa phương. May mắn trong đời, đã có mấy lần, tôi xuôi ngược trên những con thuyền nhỏ. Nhưng trên con thuyền độc mộc của người già nhiều kinh nghiệm dọc dòng thác như lần này thì tôi chưa từng trải qua. Theo lời kể của ông, sinh ra rồi lớn lên ở núi, nhưng đôi tay người già đã vượt qua biết bao thác ghềnh, vượt qua bao con suối, theo những cuộc miên di vào tít tận những thác ẩn rừng sâu, xa tít tắp.

Câu chuyện cứ thế trôi theo sông, đi qua thác ghềnh, núi cao. Tôi bất chợt ngoảnh lại phía bờ bãi, nhìn những tấm lưng còng khom xuống bờ sông để cất tôm cá mang về. Tôi nhận ra họ là linh hồn của dòng sông. Nếu không có họ, sông chẳng thể có cuộc đời của riêng mình. Nên dẫu chỉ là một dòng chảy nhỏ cũng đủ khởi nguồn, tạo nên các dòng sông lớn. Như mỗi nhịp đời, mỗi cơn nước chia rồi hợp, hợp rồi tan cứ thế chảy quanh làng, gắn kết cùng bao phận người. Trong suy nghĩ của tôi, đám trẻ trong làng chắc hẳn cũng tò mò lắm, như muốn tìm hiểu xem dòng suối này sẽ chảy về đâu trong dặm dài của nó.

Giờ đây, khi rời xa nơi này, tôi vẫn không thôi nghĩ về miền đất ấy. Tâm thức sao cứ hoài vọng về thác ghềnh đã qua, lại ước được mãi hiền ngoan thư thả bên suối. Trong tôi luôn sáng lên hình ảnh dễ thương về già làng người Bahnar ngồi hát trên chiếc thuyền độc mộc ngược dòng một ngày ấm gió. Và tôi biết rằng, mình sẽ còn nhiều duyên nợ cho những lần trở lại nơi này, để nghe thác ghềnh vọng chuyện núi sông.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.