Tay trắng thành tỷ phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ chăm chỉ lao động và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, đến nay, ông Đinh Văn Điều (dân tộc Bahnar ở làng Kleo Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã sở hữu gần 50 ha cây trồng cho thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng.
Trò chuyện với chúng tôi về quá trình lập nghiệp, ông Điều cho biết: Để có được thành quả này, gia đình ông đã trải qua rất nhiều vất vả. Năm 2000, sau khi lập gia đình, vợ chồng ông không hề có một tấc đất làm vốn. Cái khó ló cái khôn, ông đề nghị UBND xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua bò về nuôi. Song song với đó, hàng ngày, vợ chồng ông tích cực khai hoang để lấy đất sản xuất.
Năm 2004, trong một lần tới xã Tân An thăm người bạn, thấy người dân nơi đây dùng máy ủi, máy cày để san phẳng và xới đất phục vụ sản xuất, ông liền thuê máy móc về khai hoang. Qua nhiều năm kiên trì với đồng đất quê nhà, đến năm 2010, ông khai hoang được gần 30 ha đất. Nơi nào đất tốt, ông trồng bắp, mì; nơi nào đất nhiều sỏi đá, ông trồng chuối. Mỗi lần bán bò và nông sản, ông gom tiền mua thêm đất. Mỗi năm mua một ít, đến năm 2015, ông đã có gần 50 ha đất sản xuất. Không những vậy, ông còn thường xuyên đến các địa phương lân cận tìm hiểu kỹ thuật, cách thức sản xuất để áp dụng vào vườn cây của gia đình nhằm cho năng suất, hiệu quả cao.
Ông Đinh Văn Điều (làng Kleo Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn ớt của gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Ông Đinh Văn Điều (làng Kleo Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn ớt của gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Đặc biệt, những năm gần đây, ông luôn chủ động chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với thị trường. Trong đó, diện tích đất trồng bắp, chuối trước đây ông chuyển sang trồng keo (hơn 30 ha) và bạch đàn (4,8 ha). Đồng thời, ông tranh thủ đầu tư trồng thêm 8 ha mía. Diện tích còn lại trồng mì, ớt để tăng thu nhập. Ông còn duy trì đàn bò 22 con, trong đó có 14 con bò mẹ và 8 con bò cho nuôi rẽ. Ngoài cây keo chuẩn bị cho thu hoạch, hiện nay, gia đình ông mỗi năm thu về gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 600 triệu đồng. Ông Điều cho hay: “Năm ngoái, tôi đã thu đợt 1 từ cây bạch đàn. Riêng hơn 10 ha keo chuẩn bị cho thu hoạch, nếu bán với giá 1.200 đồng/kg, gia đình sẽ lãi hơn 600 triệu đồng”.
Với diện tích vườn cây rộng lớn, gia đình ông Điều đã tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động. Ông còn tích cực hướng dẫn bà con về kỹ thuật và hỗ trợ nhiều hộ vay vốn không tính lãi để đầu tư sản xuất. Trong vai trò là Bí thư Chi bộ, ông Điều luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều năm liền, làng Kleo Ktu đạt danh hiệu làng văn hóa.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Ngọc Thảo-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Bắc-cho hay: “Ông Điều vốn xuất thân nghèo khó nhưng nhờ chăm chỉ lao động nên đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, những mô hình làm kinh tế của ông đem lại hiệu quả cao. Dù ở cương vị nào ông cũng làm tốt nhiệm vụ của mình. Vì thế, nhiều lần ông được các cấp, các ngành khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong công tác”. 
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.