(GLO)- Trong ngày làm việc thứ hai, kỳ họp đã tiến hành các nội dung: đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm; thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh 6 tháng cuối năm; xem xét nội dung 9 tờ trình do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình tại kỳ họp và tiến hành thảo luận theo tổ.
Ghi nhận kết quả
Trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng nỗ lực phấn đấu của các ngành, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn phát triển đúng hướng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thảo luận tại tổ. Ảnh: M.T |
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5,83% (trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,29%, công nghiệp-xây dựng tăng 2,25%, dịch vụ tăng 8,87%). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng ước đạt 7.645 tỷ đồng (đạt 45,9% kế hoạch, tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 204 triệu USD (bằng 51% kế hoạch, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 73,4 triệu USD (giảm 23,7% so với cùng kỳ năm trước). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính chung 6 tháng ước đạt 1.767 tỷ đồng, bằng 55,48% dự toán Trung ương giao, 51,7% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 15% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 4.103,3 tỷ đồng, bằng 47,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 23 xã đạt 19 tiêu chí (trong đó 21 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), 22 xã đạt 15-18 tiêu chí, 68 xã đạt 10-14 tiêu chí, 70 xã đạt 5-9 tiêu chí, 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 19,3 triệu đồng/năm (tăng 9,8 triệu đồng so với khi bắt đầu thực hiện).
Trong 6 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 11.356 lao động (có 707 người xuất khẩu lao động); giới thiệu việc làm, học nghề cho 2.290 người. Các hoạt động bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng-chống tệ nạn xã hội được triển khai tích cực, đúng quy định. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức thành công, đảm bảo an toàn tuyệt đối tại 1.615 tổ bầu cử, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,79%. Kết quả điều tra, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 của tỉnh đến cuối năm 2015 là 36.951 hộ-chiếm tỷ lệ 11,36%; số hộ cận nghèo là 23.729 hộ-chiếm tỷ lệ 6,75%. Số hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020 là 64.087 hộ-chiếm tỷ lệ 19,71%, số hộ cận nghèo là 23.729 hộ-chiếm tỷ lệ 7,3%...
Tập trung tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại
Phát biểu định hướng các nội dung đưa ra thảo luận trong buổi chiều cùng ngày, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong phiên thảo luận, các đại biểu phải cùng nhau đánh giá hoạt động của HĐND khóa X trong 6 tháng đầu năm; làm thế nào để tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng cuối năm 2016 đạt 7,5% theo nghị quyết đề ra; nêu rõ nguyên nhân tiến độ xây dựng cơ bản chậm; tập trung đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; số học sinh bỏ học trong năm học 2015-2016 còn nhiều; công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập…
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy |
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh những vấn đề còn nhiều tồn tại, khó khăn. Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, việc “giải bài toán” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là vấn đề hết sức cấp thiết. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,74% so với tháng trước; tăng 2,99% so với cùng tháng năm trước, tăng 2,52% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh ngày càng tăng cao trong khi Gia Lai là tỉnh dân số ít, sức mua kém. Làm thế nào để kìm hãm chỉ số giá tiêu dùng, các cấp, các ngành trong tỉnh phải nhanh chóng vào cuộc. Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ, Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 44 dự án (có 4 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 1.290 tỷ đồng, tới nay chỉ có 31 dự án đi vào hoạt động nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang hoạt động cầm chừng. Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi: Những dự án còn lại tại sao vẫn chưa thể hoạt động?
Làm thế nào để tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng cuối năm 2016 đạt 7,5% theo nghị quyết đề ra, đại biểu Nguyễn Văn Hòe (Giám đốc Nhà máy Đường An Khê) nêu rõ: “Gia Lai có lợi thế rất lớn về đất đai nên chúng ta cần phát huy. Mỗi địa phương phải hoạch định kế hoạch phát triển cụ thể. Có như thế chúng ta mới cùng nhau đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng cuối năm 2016 đạt theo nghị quyết đề ra”. Theo nhiều đại biểu, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải bám sát với đời sống của người dân, không bắt buộc huy động quá sức dân.
Với vấn đề thu hút đầu tư, đại biểu Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa ra giải pháp: Gia Lai nên tham khảo các địa phương khác tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư, chọn các lĩnh vực đầu tư trọng điểm nhằm thu hút các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đầu tư vào Gia Lai. Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng thực chất là để giữ đất, không có năng lực, nguồn vốn. Ngoài ra, đại biểu này cho rằng cần xây dựng nơi sinh hoạt thể thao, nhà văn hóa, nhà trẻ trong khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho đời sống sinh hoạt của công nhân.
Liên quan đến một số vấn đề “nóng”, đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Vấn đề dư luận quan tâm về thủy điện An Khê-Ka Nak, từ tháng 4 đến tháng 6, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này. Vấn đề An Khê-Ka Nak được đặt lên bàn hội nghị, trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận rất rõ là giao các bộ ngành phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đúng quy trình xả thải liên hồ chứa. Đối với nhà máy xử lý rác tại thị xã An Khê mà báo chí đã đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết hiện nhà máy rác này đang trong giai đoạn chạy thử, vận hành có tải; vấn đề vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tăng 77 vụ là do các đơn vị chủ động tăng cường công tác xử lý truy quét, xử lý quyết liệt. Đối với vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đại biểu Võ Ngọc Thành cho biết Chính phủ đã ban hành lần lượt 3 nghị quyết nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã thông qua chương trình hành động về cải cách hành chính và sẽ ban hành rộng rãi trong thời gian đến, đề nghị các sở ngành, cùng các địa phương nỗ lực thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Hôm nay (30-6), kỳ họp tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường.
Minh Dung