Sự “đổi phận” của một số loài cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự “lên ngôi” của ngành du lịch, nhiều loài cây, hoa dại của Tây Nguyên đã “đổi phận” một cách ngoạn mục. Ở Tây Nguyên có thể xem dã quỳ, bông bay… là những cây có được may mắn ấy.

Nhớ lại khoảng thời gian từ năm 2000 trở về trước, người ở cao nguyên Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung thường ít có dịp được ngắm những vạt hoa dã quỳ nở rộ, vàng rực, dập dìu trong nắng gió; hay những vạt bông bay trắng xóa như những thảm hoa được ai đó trải dọc các lối đi, để sắc vàng của dã quỳ, màu trắng tinh khôi của bông bay thỏa sức cạnh tranh cùng mây trắng bồng bềnh, nhởn nhơ dưới trời xanh, mang lại cho Tây Nguyên bức tranh phong cảnh hữu tình. Bởi hồi đó, dã quỳ và bông bay là những loại cây được săn lùng cho mục đích làm phân xanh cho cây trồng.

Vào mùa chăm cà phê…, bốn phía của gốc cây, người ta đào sẵn các hố “ép xanh”, rồi cắt “lá phân xanh” về nhét xuống, ủ cho tốt đất, tăng dinh dưỡng cho cây. Lúc này, người trồng cà phê đi tìm kiếm nguồn để cắt lá “ép xanh”. Cây để làm phân xanh tốt nhất là lúc lá của chúng xanh còn mơn mởn (thường vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm).

Vì vậy mà dã quỳ, bông bay và tất cả những cây có thể “ép xanh” ngay từ khi chưa kịp ra nụ đã bị cắt, không còn cơ hội cho chúng trưởng thành, khoe sắc. Có chăng chỉ là những bông lẻ loi, còn sót lại từ những cây mọc đơn lẻ ven đường.

Du khách chụp ảnh bên đường hoa dã quỳ Chư Đang Ya. Ảnh: Phạm Quý

Du khách chụp ảnh bên đường hoa dã quỳ Chư Đang Ya. Ảnh: Phạm Quý

Ngoài “nhiệm vụ” chính là làm phân xanh, đây cũng là những cây thuốc được nhiều người dùng ở những thời điểm kinh tế khó khăn, thuốc chữa bệnh khan hiếm. Tác dụng làm thuốc phổ biến nhất của dã quỳ là thân và lá được hái về nấu nước tắm chữa các bệnh ngoài da, còn cây bông bay được nhai hoặc vò nát để cầm máu.

Theo một số nguồn thông tin, dã quỳ và bông bay đều không phải là cây bản địa ở Việt Nam. Chúng được người Pháp đưa vào nước ta khoảng đầu thế kỷ XX để trồng làm phân xanh trong các đồn điền. Điểm đến đầu tiên của dã quỳ là các đồn điền ở Lâm Đồng để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng bằng cách giâm cành nên dần dần dã quỳ có mặt ở khắp Tây Nguyên. Khác với dã quỳ, điểm đến đầu tiên của bông bay lại là các đồn điền ở phía Bắc.

Vì “nhiệm vụ” chính là để làm phân xanh nên tên của những cây này ở thời điểm đó cũng không được quan tâm trau chuốt. Dã quỳ thường được gọi là cúc quỳ, quỳ dại, sơn quỳ. Theo bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì tên dã quỳ xuất hiện trong văn chương từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Riêng tên gọi của cây bông bay thì khó có thể thống kê đầy đủ. Các địa phương khác nhau đều có những cái tên khác nhau dành cho loại cây này như: bớp bớp, bồ hôi, cách cách, ổi tàu giấy, cây giằng xay, cây hương kiểm/hanh kiểm, bông trắng, cây mui, cây ào ạo…; một số vùng thì gọi luôn nó là cây phân xanh.

Bước sang thế kỷ XXI, nhiều loại cây vốn “tầm thường” bỗng được “đổi phận” và trở thành “chủ thể” trong hoạt động du lịch của các địa phương. Năm 2005, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ nhất được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của hoa và nghề trồng hoa, kêu gọi đầu tư vào ngành trồng hoa Đà Lạt, cũng như quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của thành phố, văn hóa và con người Đà Lạt. Từ đây, nhiều lễ hội hoa, cây trái đã ra đời và thành công trong cả nước như: lễ hội hoa ban, lễ hội hoa anh đào… Ở Gia Lai, tháng 12-2017, lần đầu tiên huyện Chư Păh tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya.

Từ đó đến nay, lễ hội này ngày càng thu hút đông đảo du khách đến ngắm hoa trên núi lửa, trải nghiệm và thưởng thức văn hóa của người Jrai, tiêu thụ các sản vật địa phương. Từ đây, ý thức của chính quyền và người dân về việc bảo vệ, trồng bổ sung để làm đẹp thêm cho những thảm dã quỳ ngày càng được nâng lên, hoạt động quảng bá cho hoa dã quỳ cũng được quan tâm hơn trước. Đến nay, cái tên hoa dã quỳ gắn với núi lửa Chư Đang Ya đã được nhiều du khách quan tâm. Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu nhằm thu hút và quảng bá du lịch tỉnh nhà vào đầu mùa khô-những tháng mà tiết trời của Gia Lai đẹp nhất trong năm.

Cùng với dã quỳ, bông bay thì cỏ hồng (vốn là cỏ Mỹ, cỏ đuôi heo…) cũng là cái tên được “đổi phận” một cách ngoạn mục ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Thiết nghĩ, trong định hướng xây dựng Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe, việc khám phá, “đổi phận” cho cỏ cây để tạo nên những nét riêng có, tạo thêm sức hút với du khách… cũng là việc nên quan tâm trong tiến trình phát triển của du lịch địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.