Sẽ có nhiều điểm mới trong tổ hợp xét tuyển vào đại học năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Nhưng từ năm 2025, để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới và định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH đang xây dựng tổ hợp xét tuyển theo hướng mới.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết căn cứ phương án thi đã công bố và căn cứ dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì theo cách tính 3 môn thành một tổ hợp xét tuyển vào ĐH, sẽ có tới 81 tổ hợp khác nhau. Trong đó, mỗi tổ hợp có ít nhất 1 môn là ngữ văn hoặc toán, theo quy chế tuyển sinh hiện hành và thuận lợi cho tuyển sinh theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu của học sinh (HS). Đặc biệt, trong các môn tự chọn thi tốt nghiệp từ năm 2025 có thêm môn tin học, công nghệ, kinh tế và pháp luật, đây cũng là hướng đến việc tăng các tổ hợp môn xét tuyển ĐH.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ năm 2025, tổ hợp xét tuyển ĐH dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến có nhiều điểm mới
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ năm 2025, tổ hợp xét tuyển ĐH dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến có nhiều điểm mới

Kết hợp nhiều tiêu chí

Chia sẻ về định hướng tuyển sinh năm 2025, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết phương án tuyển sinh chủ đạo năm tới của trường vẫn là xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí. Trong đó, tiêu chí học lực được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực. Riêng điểm học tập ở bậc THPT gồm 6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT dựa vào các môn trong tổ hợp xét tuyển.

Bên cạnh đó, cũng theo PGS Thắng, tiêu chí thành tích cá nhân là HS đạt giải kỳ thi HS giỏi quốc gia, đạt giải thi khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển HS giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác. Ngoài ra còn có tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

"Nhà trường chưa có quy định cụ thể về trọng số các tiêu chí, nhưng tinh thần chung là không thay đổi thường xuyên, tránh xáo trộn cho HS tham gia xét tuyển vào trường. Năm 2025 là năm đầu tiên HS tốt nghiệp chương trình THPT mới, trường sẽ theo dõi kỹ các thông tin của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là quy chế tuyển sinh, để bảo đảm quyền lợi của người học", PGS Thắng nói thêm.

Từ năm 2025, Trường ĐH Nha Trang cũng có xu hướng đánh giá thí sinh vào trường dựa trên nhiều tiêu chí. PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nói: "Có thể nói năm 2025 trường chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển. Đó là kết hợp giữa kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập ĐH. Trong đó, kết quả đánh giá năng lực học tập ĐH bao gồm điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm kỳ thi đánh giá năng lực do trường ĐH tổ chức… Với phương thức này, trường mong muốn đánh giá toàn diện năng lực học ĐH của HS".

Giữ ổn định các phương thức xét tuyển độc lập

Không theo xu hướng tích hợp, Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng dự định có nhiều cải tiến trong cách thức tuyển sinh năm 2025. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông trường này, cho biết trường dự kiến dành từ 50-60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15-20% và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. "Dự kiến năm 2025 trường sẽ là một điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt", thạc sĩ Sơn thông tin.

Trong khi đó, một số trường dự kiến giữ ổn định các phương thức xét tuyển độc lập như năm 2024, như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. ĐH Kinh tế TP.HCM cũng định hướng tiếp tục sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực và điều chỉnh phương thức xét học sinh giỏi theo hướng tuyển người học có chất lượng tốt hơn.

Các trường ĐH dự kiến sẽ có những thay đổi trong các tổ hợp môn xét tuyển để phù hợp với Chương trình GDPT 2018
Các trường ĐH dự kiến sẽ có những thay đổi trong các tổ hợp môn xét tuyển để phù hợp với Chương trình GDPT 2018

Nhiều điểm mới về tổ hợp xét tuyển

Định hướng cách thức tuyển sinh, các trường ĐH có nhiều thay đổi trong xây dựng tổ hợp môn xét tuyển, đặc biệt phương thức xét dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với việc có thêm các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và khi HS có thể tùy chọn 2 môn bất kỳ trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT thì việc xây dựng tổ hợp môn trong xét tuyển phải vừa đảm bảo kiến thức nền của HS khi vào học ĐH ở từng ngành cụ thể, vừa tương thích và phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của HS.

Vì vậy, tiến sĩ Nhân cho biết Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến tổ hợp xét tuyển của mỗi ngành trong tuyển sinh từ năm 2025 trở đi sẽ gồm 2 môn cốt lõi và 1 môn tự chọn. Trong đó, ít nhất 1 môn cốt lõi phải nằm trong 4 môn bắt buộc mà HS phải học trong chương trình THPT. Bên cạnh đó, HS tự chọn 1 trong số các môn có liên quan đến ngành học. Tùy theo ngành đào tạo mà số môn tự chọn này có thể từ 4 đến 6 môn nhưng HS chỉ cần chọn 1 trong số các môn đó. Ví dụ, các ngành điện, điện tử, cơ khí, xây dựng thì tổ hợp gồm 2 môn cốt lõi là toán và vật lý; 1 môn tự chọn khác HS có thể chọn 1 trong các môn gồm hóa học, công nghệ, tin học, tiếng Anh, văn học.

"Tổ hợp này dự kiến dành cho tất cả các phương thức có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập THPT trong năm 2025", Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thông tin thêm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng cho hay Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến sử dụng tổ hợp 3 môn, trong đó môn toán bắt buộc để xét tuyển cho tất cả các ngành (trừ ngành luật kinh tế, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc môn bắt buộc là ngữ văn). "Hai môn khác trong tổ hợp xét tuyển trường sẽ nghiên cứu kỹ chương trình lớp 10, 11 và 12 để chọn lựa. Tuy nhiên, trường dự kiến sẽ đưa môn tin học vào tổ hợp xét tuyển của các ngành thuộc khoa Công nghệ thông tin như: công nghệ thông tin, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu. Khi đó, ngành công nghệ thông tin có thể gồm các tổ hợp: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh; toán, tiếng Anh, tin học", thạc sĩ Sơn nói thêm.

Trong khi đó, Trường ĐH Nha Trang dự kiến chỉ sử dụng 1 tổ hợp cho tất cả các ngành khi xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tổ hợp này được tính theo thang điểm 3 môn, trong đó 2 môn bắt buộc gồm toán và ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh có thể lựa chọn thêm môn tiếng Anh hoặc không, trường hợp không chọn môn tiếng Anh có thể chọn nhân hệ số 2 điểm của một trong 2 môn bắt buộc toán hoặc ngữ văn. Với phương thức xét kết quả học tập THPT, trường dự kiến xét tuyển theo 4 tổ hợp 4 môn đã công bố.

Xây dựng tổ hợp môn không nên gây phức tạp cho HS

Nhìn nhận về những thay đổi trong tuyển sinh ĐH từ 2025, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng các tổ hợp môn xét tuyển vào ĐH nên được xây dựng theo hướng gọn, không tạo sự phức tạp cho HS. Với chuẩn đầu ra năng lực theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không nhất thiết chọn tổ hợp xét tuyển ĐH theo 3 môn như trước đây. Thay vào đó, có thể sử dụng tổ hợp 2 môn bắt buộc và 1-2 môn điều kiện cần. Đặc biệt, nhiều ngành không thể bỏ ngoài các môn tin học, công nghệ trong xét tuyển như nhóm công nghệ, công nghệ thông tin… "Chẳng hạn, ngành y khoa có thể sử dụng môn toán và sinh, toán và hóa kèm thêm điều kiện điểm học bạ một số môn; ngành công nghệ có thể sử dụng tổ hợp toán và lý, toán và hóa kèm thêm một số môn điều kiện từ kết quả học tập THPT", chuyên gia tuyển sinh nêu ví dụ.

Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.

Gia Lai: Tuyển sinh 3 lớp Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học hệ vừa học vừa làm

Trường ĐH Sư phạm TP HCM tuyển sinh 3 lớp Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 28-9, TS. Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-cho biết, nhà trường đang tuyển sinh hệ vừa học vừa làm đối với các ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa đơn vị với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Khóc - cười, đỗ - trượt

Khóc - cười, đỗ - trượt

Gần 1.600 học sinh dự thi lớp 10 năm học 2024-2025 của tỉnh Thái Bình bị sai điểm vì một lỗi hết sức ngớ ngẩn là Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Thái Bình thực hiện sai quy trình hồi phách bài thi tự luận.
Bộ GD&ĐT yêu cầu từ năm 2025 khắc phục triệt để thiếu công bằng trong phương thức tuyển sinh

Bộ GD&ĐT yêu cầu từ năm 2025 khắc phục triệt để thiếu công bằng trong phương thức tuyển sinh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học năm 2025 là hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông.