Sẽ bị xử phạt nặng nếu phát hiện bán hàng giả qua thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù chỉ mới gia nhập “làng” thương mại điện tử (TMĐT) cách đây bài ba năm, song ngoài gần 80 doanh nghiệp ứng dụng giao dịch thương mại điện tử có đăng ký thì hiện trên địa bàn tỉnh, những website bán hàng qua mạng đang phát triển một cách ồ ạt, tự phát và khó kiểm soát. Theo đó, việc hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên các trang buôn bán này là điều dễ hiểu, và quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm.   

 Sản phẩm White Doctor vừa bị “tuýt còi” đang được rao bán rất nhiều trên các trang giao dịch TMĐT
Sản phẩm White Doctor vừa bị “tuýt còi” đang được rao bán rất nhiều trên các trang giao dịch TMĐT

Theo xu thế chung của sự phát triển kinh tế mang tính hội nhập, Gia Lai đã bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển thương mại điện tử. Bởi so với những giao dịch thương mại truyền thống, TMĐT giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mặt bằng, mở rộng không gian kinh doanh, các giao dịch cũng đơn giản và nhanh chóng. Khách hàng cũng bắt đầu thích sử dụng giao dịch TMĐT bởi sự đa dạng về hàng hóa, có nhiều sự lựa chọn nhà cung cấp… Tại Gia Lai, các khách hàng có lẽ đã khá quen thuộc với các trang TMĐT tự phát như T.L. shop (đường Hai Bà Trưng); P. Shop (đường Nguyễn Đình Chiểu); K. Shop (đường Hùng Vương); P.O. shop (bán online, không đăng ký địa chỉ); X.X.shop (huyện Chư Prông)…

Ngoài một số trang uy tín, có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm đã được khách hàng kiểm chứng qua sử dụng thì không ít trang mà các sản phẩm được quảng cáo là hàng chính hãng, hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng giá lại cực rẻ, có khi rẻ thua hàng chính hãng  cả chục lần. Những mặt hàng như kính Rayban, thắt lưng, túi xách Hermes, Gucci, Chanel…, là những thương hiệu đắt đỏ của nước ngoài cũng được bán với giá nhiều nhất cũng chỉ vài trăm ngàn đồng. Nhiều shop chuyên bán mỹ phẩm với thương hiệu nổi tiếng như Shisedo, Ohui, Mac, Chanel, Guerlain… những giá chỉ từ vài chục ngàn đồng, trong khi giá hàng thật là tiền triệu. Đó là chưa kể tình trạng rao bán hàng chính hãng, nhưng vì mua bán online, khách hàng không thể kiểm chứng chất lượng một cách trực tiếp nên khi nhận hàng lại là hàng nhái, hàng giả. Tệ hơn, nhiều shop lừa đảo bằng chiêu nhận tiền nhưng… không giao hàng.

Để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, tỉnh ta cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Những kiến thức về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử (Nghị định 52/2003/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử, Thông tư 12/2013/TT-BCT của Bộ Công thương quy định các thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử); những hành vi gian lận trong thương mại điện tử và các chế tài xử lý… cũng được đưa đến một cách trực tiếp cho người cung ứng dịch vụ lẫn khách hàng. Và từ năm 2013 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý trong phát triển TMĐT, như: Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Nghị định 185/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm...

Văn bản pháp luật, quy chế hoạt động quy định là vậy, song tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên các website TMĐT. Nhìn giá treo cho mỗi sản phẩm trên các trang TMĐT đang xuất hiện ồ ạt, tự phát như hiện nay cũng có thể khẳng định được mức độ hoạt động một cách ngang nhiên, sôi động của hàng giả, hàng nhái. Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng đối với Công ty TNHH EBC Việt Nam, Công ty chuyên nhập khẩu và phân phối độc quyền dòng mỹ phẩm cao cấp White Doctors vì đã sản xuất, kinh doanh 17 loại mỹ phẩm không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản. White Doctors là sản phẩm hiện đang được rao bán rất nhiều trên các trang T.L. shop; P.O. shop; X.X. shop…

Trên địa bàn tỉnh ta, tính đến thời điểm này vẫn chưa có trang bán hàng online nào bị phát hiện và xử lý do bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nguyên nhân có lẽ do sự chậm vào cuộc của các cơ quan chức năng. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nên chăng cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc của các cơ quan chức năng? Được biết, trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu quy chế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT. Theo đó, các hoạt động vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Cụ thể, các mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT (kể cả các mạng xuyên biên giới như Facebook), nếu không tuân thủ việc đăng ký sàn giao dịch TMĐT với Bộ Công thương có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.