Sau sự cố đáng tiếc, Việt Nam sắp có 'cú hích' mới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những áp lực từ EVFTA đưa ra đối với chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở nước ta là khá rõ ràng. Nhưng đó là những cam kết và sức ép tốt, để chúng ta tự cải thiện mình.

Hiệp định “tham vọng nhất”

Vào thời điểm này hai năm trước, Việt Nam đang khấp khởi chờ đợi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực, sau khi được 12 nước thành viên đồng ý kí thông qua. Thế nhưng sau khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11 cùng năm, kì vọng này nhanh chóng mất đi. Vị tổng thống mới, trong ngày đầu tiên nhậm chức vào năm 2017, kí sắc lệnh rút Mỹ khỏi hiệp định. Trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất và là đầu tàu thúc đẩy sự ra đời của TPP.

Khi ấy, đây là sự cố đáng thất vọng cho nước ta. Việt Nam được cho là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Hơn nữa, TPP là hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” – trong đó yếu tố then chốt là thúc đẩy cải cách thể chế và các quy chuẩn của nền kinh tế thay vì chỉ tập trung vào vấn đề cắt giảm thuế quan. Trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, những hiệp định như TPP sẽ mang lại lực đẩy mới để chúng ta tiến hành “Đổi mới 2.0”.

Phải sau hai năm, Việt Nam mới có nhiều kỳ vọng như thế với Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Tương tự như TPP, EVFTA là hiệp định thương mại kiểu mới, với chỉ 8/18 chương là đề cập trực tiếp đến vấn đề thương mại. Ở phần còn lại, hiệp định này đưa ra nhiều yêu cầu liên quan đến mua sắm công, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước, và xây dựng năng lực.

Sẽ không quá nếu nói EVFTA có thể thay thế TPP để trở thành động lực phát triển cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Ít nhất về mặt thương mại và đầu tư, EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường lao động, nâng cao thu nhập. Năm ngoái, tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 50,46 tỷ USD. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, chỉ đứng sau Mỹ.

Khi mức thuế quan của nhiều loại hàng hóa Việt Nam giảm về 0%, chắc chắn xuất khẩu của nước ta sang thị trường này sẽ tăng mạnh, đặc biệt là nông sản và hàng dệt may, da giày. Mức thuế suất này sẽ tạo thêm ưu thế lớn cho hàng hóa Việt trước những đối thủ cạnh tranh – đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia hay Thái Lan – do ở Asean chỉ có Singapore và Việt Nam là đã hoàn tất đàm phán FTA với EU. Theo Ủy ban Thương mại châu Âu, EVFTA là hiệp định “tham vọng nhất” của EU với một nước đang phát triển, và có thể giúp tăng 15% GDP và 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Lợi thế “người đi đầu” còn cho phép Việt Nam trở thành cửa ngõ cho hàng hóa và các doanh nghiệp EU thâm nhập và đầu tư vào khu vực, khi xét về ưu thế của Việt Nam so với Singapore (về quy mô thị trường và vị trí địa lý thuận lợi cho thị trường Đông Nam Á lục địa).


 

EVFTA có trở thành cú hích cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: VOV
EVFTA có trở thành cú hích cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: VOV




Tận dụng đến đâu phụ thuộc vào chính ta

Tất nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn vào quá khứ hơn 10 năm trước với sự kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để nghi ngờ về tác động của EVFTA. Thực tế cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngay sau đó, cùng với sự chưa sẵn sàng của nền kinh tế, khiến việc là thành viên của WTO không mang lại kết quả như kỳ vọng, dù đây là dấu mốc lớn cho tiến trình hội nhập của đất nước.

Nhưng tôi tin rằng, EVFTA sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực hơn nhiều. EU là thể chế quản trị đa quốc gia tốt nhất hiện tại, và luôn nhấn mạnh đến mặt bền vững và bao trùm (tức là không bỏ ai lại phía sau) của phát triển kinh tế. Chính vì thế, EVFTA dành sự quan tâm lớn tới những vấn đề phi thuế quan. Văn bản hiệp định yêu cầu Việt Nam phải minh bạch, có chính sách mua sắm công cạnh tranh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, và đảm bảo sở hữu trí tuệ. Dù phạm vi điều chỉnh không lớn bằng TPP, những điều khoản này – nếu được thực hiện nghiêm túc – mang lại nhiều lợi ích dài hạn cho nước ta.

Những người “không thích” EVFTA nhất có lẽ là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hiệp định có một chương riêng điều chỉnh vấn đề này, yêu cầu các DNNN phải hoạt động dựa trên tính toán thương mại thuần túy và không được phân biệt đối xử khi mua hàng hóa – dịch vụ. Đây chắc chắn sẽ là một cú hích nữa cho chương trình cổ phần hóa DNNN, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và nền kinh tế, đưa nước ta hướng đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Những áp lực từ EVFTA đưa ra đối với chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở nước ta là khá rõ ràng. Nhưng đó là những cam kết và sức ép tốt, để chúng ta tự cải thiện mình, không chỉ với mục đích xuất khẩu nhiều hàng hóa hay cạnh tranh với doanh nghiệp EU, mà còn vì một nền sản xuất bền vững hơn, một thị trường an toàn hơn cho người tiêu dùng trong nước.

Quá trình ký kết và phê chuẩn EVFTA và hiệp định bảo hộ đầu tư, dù đã nhận được ủng hộ của Ủy ban châu Âu, không phải là không còn cam go. Hai hiệp định này còn cần được đệ trình lên Hội đồng châu Âu để đề xuất kí kết. Sau đó, nếu Nghị viện châu Âu phê chuẩn, hiệp định FTA mới có hiệu lực, dự kiến vào nửa sau của năm 2019. Còn với hiệp định bảo hộ đầu tư, sẽ còn cần phải được nghị viện của các quốc gia thành viên thông qua, và sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn.

Tuy vậy, với những tiềm năng lớn như phân tích ở trên, thời gian chờ đợi này là đáng giá. EVFTA cùng với CPTPP – nhiều khả năng có hiệu lực vào năm sau – sẽ là cơ hội lớn để nền kinh tế nước ta “nhảy cóc” lên những thiết kế thể chế hiện đại và bền vững hơn. Hai hiệp định FTA thế hệ mới này cũng là cơ hội để Việt Nam bớt dần lệ thuộc vào nền kinh tế và thị trường Trung Quốc. Tận dụng được đến mức nào sẽ phụ thuộc vào chính chúng ta.

Nguyễn Khắc Giang (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.