Sẵn sàng để đăng ký xét tuyển vào đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, gần 1 triệu thí sinh lại bước vào giai đoạn hết sức quan trọng, đó là đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT.

Đây là giai đoạn nước rút, thí sinh cần nắm những mốc thời gian quy định cũng như thận trọng, tính toán kỹ khi đăng ký chọn ngành, chọn trường.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thận trọng thao tác trên trang hệ thống dữ liệu

Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được nâng cấp với nhiều tiện ích trên nền dữ liệu thống nhất từ kết quả học THPT đến điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. Do đó, thí sinh cần chú ý đọc kỹ từng trang trên hệ thống để hiểu trước khi chọn. Kết thúc mỗi giai đoạn, thí sinh quan sát kỹ màn hình xem còn thao tác nào hay không trước khi nhấn nút tiếp theo hoặc hoàn thành. Sau đó, thí sinh kiểm tra lại thông tin và có thể điều chỉnh trong thời gian đăng ký xét tuyển. Ví dụ, dù thí sinh đã tham gia đăng ký các phương thức xét tuyển sớm (xét bằng điểm học bạ THPT, điểm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...) và đã được báo đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh cũng cần kiểm tra danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển xem có tên mình hay chưa. Ngoài ra, thí sinh nên tham gia giai đoạn thử đăng ký xét tuyển để hiểu rõ và có thao tác chính xác khi thực hiện đăng ký xét tuyển chính thức, chậm nhất là ngày 10-7-2024.

Trước và sau khi hoàn tất đăng ký, thí sinh nên kiểm tra lại các nguyện vọng đã được đăng ký tại màn hình. Thí sinh cần lướt kỹ từng trang trên hệ thống xét tuyển, hoàn tất từng quá trình và nhớ ghi nguyện vọng đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT).

Xác định mục tiêu nghề nghiệp để đăng ký

Trong thời gian này, thí sinh nên dành thời gian tìm hiểu, kiểm tra lại việc chọn ngành học theo nguyên tắc “nghề dự định làm trong tương lai - học những ngành nào để ra làm nghề mong muốn và ngành đó được đào tạo ở các trường nào, tổ hợp xét tuyển gì”, rồi đối chiếu với thực tế về điểm số, điều kiện bản thân để quyết định chọn các phương thức xét tuyển (PTXT); sắp xếp các nguyện vọng có tính khả thi cao và cần luôn nhớ mục tiêu nghề nghiệp của bản thân để chọn ngành học tương ứng, không nên đậu đại học bất chấp ngành gì.

Thí sinh đối chiếu bài làm môn Toán sau giờ thi tại điểm thi Trường THCS Colette (quận 3, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thí sinh đối chiếu bài làm môn Toán sau giờ thi tại điểm thi Trường THCS Colette (quận 3, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thí sinh nên chú ý, hiện nay, cùng một ngành, có nhiều trường đào tạo; vì vậy, nên chọn nguyện vọng theo nguyên tắc cùng một ngành ở các trường khác nhau hoặc các ngành gần (cùng một nhóm ngành hoặc cơ hội việc làm gần nhau). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2024 có 20 PTXT, bao gồm nhóm PTXT sớm (trước kỳ thi tốt nghiệp THPT) và nhóm PTXT sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các PTXT sớm được báo đủ điều kiện trúng tuyển (nếu có) cũng được đăng ký để xét tuyển trên hệ thống cùng đợt với các nguyện vọng khác theo kế hoạch chung.

Ở giai đoạn đăng ký xác nhận nguyện vọng đã trúng tuyển bằng các PTXT sớm và đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thí sinh cần chú ý những bước sau: các nguyện vọng đều có giá trị như nhau, trừ vài trường hợp đặc biệt theo đề án tuyển sinh của các trường; thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau (không hạn chế số lượng), nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất); nếu thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác). Nếu không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo các PTXT sớm, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký xét tuyển vào ngành đào tạo đó theo PTXT khác trên hệ thống.

Sau khi hoàn tất việc đăng ký, thí sinh thao tác sử dụng số điện thoại đã điền trong phiếu đăng ký dự thi và nhắn tin theo hướng dẫn có trên màn hình để lấy mã OTP (mã xác thực). Sau đó, thí sinh nhập mã xác thực và nhấn nút “xác nhận đăng ký”. Một bước quan trọng khác là nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8-2024 (nếu không thực hiện nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống quản lý sẽ không chấp nhận nguyện vọng đã đăng ký và bị loại).

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), việc chọn ngành đào tạo là quan trọng nhất; sau đó thí sinh tìm hiểu về các trường có đào tạo ngành đó, cân nhắc với năng lực, khả năng, các điều kiện phụ trợ khác… Nếu thí sinh đã chọn được đúng ngành (hoặc một số ngành) mình mong muốn theo đuổi, thì trong hệ thống chắc chắn có nhiều trường đại học có thể đáp ứng việc đào tạo này. Thí sinh không nên tập trung các nguyện vọng xét tuyển vào một số ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh cao để tránh rủi ro là có thể sẽ không đạt một nguyện vọng nào cả. Cách hiệu quả nhất là xếp ưu tiên các nguyện vọng vào trường, vào ngành mà mình yêu thích, đam mê, có sở trường, năng lực… lên đầu tiên.

THANH HÙNG ghi

(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hết mình vì sĩ tử

Hết mình vì sĩ tử

Ngày 27-6, tại các địa phương trên cả nước, lực lượng tình nguyện viên và cán bộ, chiến sĩ CSGT đã nỗ lực hỗ trợ các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.