Sai lầm khi uống nước mã đề hàng ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mã đề thường được người dân sử dụng vào mùa hè để làm thức uống giải nhiệt nhưng có thể phản tác dụng nếu dùng sai cách.

Trong thời tiết nắng nóng, người dân thường tìm tới các loại cây cỏ để giải nhiệt, trong đó có mã đề. Thậm chí, nhiều người dùng nước lá mã đề uống hàng ngày, thay nước lọc.

 

Cây mã đề.
Cây mã đề.



Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình Lương Y Bùi Hồng Minh cho hay nước lá cây mã đề rất mát, có tác dụng bổ thận, đào thải chất độc cho thận. Trong dân gian thường dùng mã đề để điều trị tiểu buốt.

Trong y học cổ truyền, cây mã đề có nhiều tên gọi khác nhau có vị ngọt tính lạnh, không độc đi vào 3 kinh (thận, bàng quang, phế) có lợi tiểu, tiêu thũng, tiêu phù, chất kháng sinh gây bệnh ngoài da chữa lỵ cấp.

Mã đề còn được dùng chữa ho có đờm do nhiệt, viêm khí quản, tiểu ra máu, sỏi thận, chảy máu cam, nôn ra máu. Loại lá này không dùng một mình mà thường kết hợp với các vị thuốc khác hãm thành nước chè.

Tuy nhiên, người dân không thể sử dụng tùy tiện cây mã đề để giải khát. Theo lương y Bùi Hồng Minh, loại cây này có tác dụng lợi tiểu nhưng điều đó cũng mang lại tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Chuyên gia từng gặp một trường hợp bà cho cháu uống mã đề để trị rôm sảy khiến cháu rơi vào tình trạng mất nước do đi tiểu quá nhiều.

Do đó, lương y khuyến cáo mã đề không phải là loại cây thuốc dùng kéo dài. Loại cây này cũng được xếp vào loại cây dược liệu, khi dùng cần phải có định lượng, thời gian nhất định.

Đặc biệt, người đi tiểu nhiều, trẻ nhỏ thường xuyên tiểu dầm không nên dùng nước mã đề sẽ kích thích bàng quang đi tiểu nhiều lần. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu không nên dùng nước mã đề uống có thể dẫn tới sảy thai. Người thận yếu, suy thận mạn tính tuyệt đối không nên dùng loại cây này. Người khỏe mạnh hạn chế sử dụng nước mã để vào buổi tối để tránh phải dậy đi tiểu vào ban đêm.

Theo chuyên gia này, khi dùng nước cây mã đề làm nước uống, người dân chỉ nên dùng với liều lượng nhỏ ngày 1-2 ly (150 ml) dùng 4-5 ngày dừng. Khi uống loại nước này, cần chú ý tránh các loại chất kích thích cà phê, rượu, bia, gia vị nóng.

Một số bài thuốc hay và đơn giản từ cây mã đề:

- Da nổi mụn do gan nóng dùng cây má đề nấu với thịt lợn băm nhỏ, nêm mắm, muối vừa đủ nấu thành canh ăn trong 6-7 ngày.

- Bí tiểu, tiểu buốt dùng lá má đề, râu ngô sắp uống nhiều lần trong ngày uống khi nào hết bí tiểu, tiểu buốt thì dừng.

- Đại tiện ra máu do nóng trong dùng lá mã đề, cỏ mực (cỏ nhọ nồi) rửa sạch xay nhuyễn vắt nước uống khi bụng đói.

- Trẻ bị mụn nhọt, chốc lở dùng mã đề rửa sạch nấu canh với giò sống ăn sẽ giúp nhanh khỏi bệnh.



Hà Quyên (zing)

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, cộng đồng người Bahnar đã cho ra đời những bài thuốc quý, lưu dấu qua bao thế hệ.

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.