(GLO)- Tuổi thọ trung bình là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá chỉ số phát triển con người (HDI) của một quốc gia, một địa phương.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hướng đến lối sống lành mạnh là một trong những mục tiêu rút ngắn khoảng cách về tuổi thọ trung bình của tỉnh (ảnh nguồn internet) |
Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KKHGĐ), năm 2017, chất lượng dân số nước ta đã được cải thiện nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn một số nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác DS-KKHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cũng như Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Về tuổi thọ trung bình của người Việt Nam, các nghị quyết đề ra mục tiêu đạt 74,5 tuổi vào năm 2025 và đạt 75 tuổi vào năm 2030.
Gia Lai là tỉnh miền núi, đời sống người dân còn khó khăn. Vì vậy, theo số liệu của Chi cục DS-KKHGĐ tỉnh, năm 2017, tuổi thọ bình quân của người dân Gia Lai mới chỉ đạt 70,5 tuổi. So với tuổi thọ trung bình cả nước thì Gia Lai thấp hơn khá nhiều (gần 3 tuổi). Theo các chuyên gia về dân số, nguyên nhân của tình trạng trên là do mức thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là dịch vụ dành cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế; trong cộng đồng còn tồn tại nhiều hành vi, thói quen có hại đối với sức khỏe; môi trường sống không thuận lợi…
Ngày 15-8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1781/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình số 61-CTr/TU ngày 7-5-2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Theo đó, về tuổi thọ trung bình của người dân, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đạt 73 tuổi vào năm 2025 và 73,5 tuổi vào năm 2030. Đặt ra mục tiêu tiệm cận với tuổi thọ trung bình của cả nước trong khi xuất phát điểm thấp, điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh.
Thông thường, để quyết tâm chính trị được hiện thực hóa thì rất cần nhiều giải pháp mang tính đột phá kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Với mục tiêu rút ngắn khoảng cách về tuổi thọ trung bình của tỉnh so với mặt bằng chung cả nước, thiết nghĩ, mục tiêu đầu tiên cần nhắm đến là đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập của người dân, đặc biệt là giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hướng đến lối sống lành mạnh; loại bỏ những hành vi, thói quen có hại đối với sức khỏe; chung tay ngăn chặn các tai-tệ nạn xã hội.
Tất nhiên, một trong những giải pháp không thể thiếu đó là tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Với một tỉnh miền núi có xuất phát điểm thấp như Gia Lai thì có lẽ giải pháp trước mắt là nâng độ bao phủ về bảo hiểm y tế gắn với củng cố mạng lưới y tế cơ sở để mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chi phí thấp và thường xuyên.
Duy Lê