(GLO)- Tây Nguyên đang phải trải qua đợt hạn hán gay gắt chưa từng có. Hàng trăm ngàn hộ dân đang quay quắt vì thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Giữa tâm hạn, nhìn Tây Nguyên rất kiệt quệ, với những cánh đồng khô cháy, những vườn cà phê, hồ tiêu héo rũ và những dòng sông trơ đáy khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại công tác bảo vệ rừng thời gian qua.
Rừng bị thu hẹp vì các dự án trồng cao su. |
Hơn nửa tháng trước, ông Huỳnh Thành-Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đánh giá thủy điện An Khê-Ka Nak là “công trình sai lầm thế kỷ” đã làm dậy sóng diễn đàn Quốc hội và dư luận cả nước vì những hệ lụy lớn mà công trình này gây ra cho hàng triệu người dân phía hạ nguồn, thuộc hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Câu chuyện An Khê-Ka Nak chưa hết nóng thì xuất hiện thông tin, 2 công trình thủy điện đang được khảo sát trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang. Thông tin này đã khiến dư luận trong và ngoài tỉnh hết sức bất ngờ, rồi bất bình bởi 2 dự án nằm ngay vùng lõi khu bảo tồn, nơi rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Vị trí dự kiến đặt thủy điện là tại dòng thác cao tới 54 mét, chưa bị tác động của con người và thuộc loại hùng vĩ nhất Tây Nguyên.
Kon Chư Răng là khu bảo tồn thứ 4 ở Tây Nguyên rơi vào tình trạng này, sau Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đak Nông và Đồng Nai), Vườn Quốc gia Yok Đôn và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đak Lak).
Trong số này, Khu Bảo tồn Kon Chư Răng tạm thời thoát nạn vì trước sức ép dư luận quá lớn khiến doanh nghiệp xin rút khỏi dự án; Vườn Quốc gia Cát Tiên may mắn tạm thời được bảo vệ, khi có sự đồng lòng của cả chính quyền địa phương hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, tiếng nói của các đại biểu Quốc hội, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông và đặc biệt là tiếng nói của nhân dân.
Hai Vườn Quốc gia Yok Đôn và Chư Yang Sin không có được may mắn này. Dù khi đương nhiệm, ông Trần Văn Thành-Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn tuyên bố sẽ từ chức nếu thủy điện Đrang Phok được xây trong khu rừng mà ông tâm huyết gìn giữ. Nhưng thủy điện Đrang Phok vẫn đang được xây ngay vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn, còn ông Thành đã bị điều động đi công tác nơi khác. Bi kịch hơn là Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, dù tỉnh Đak Lak đã có văn bản từ chối đề xuất xây dựng thủy điện Ea KTour trong khu rừng này nhưng sau đó, Bộ Công thương đồng ý cho doanh nghiệp xây dựng nên tỉnh buộc phải “chiều” ý Bộ. Trước đó, thủy điện Krông KMar và thủy điện Krông Nô 2 cũng đã được xây dựng trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, ép khu rừng đặc dụng này nhận danh hiệu kỷ lục Việt Nam và có lẽ kỷ lục thế giới về số lượng thủy điện được xây trong một vườn quốc gia!
Thác 50 trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: N.N |
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn đặt mục tiêu bảo vệ rừng lên hàng đầu. Trong khi các pa nô tuyên truyền cho giá trị to lớn của rừng được dựng lên khắp nơi, nhằm tuyên truyền ý thức giữ rừng của nhân dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của rừng, thì ý thức tôn trọng rừng của các cấp quản lý, lại thể hiện không tương xứng và chưa nghiêm túc, thể hiện qua cách chuyển đổi rừng quá hào phóng.
Theo thống kê, 8 năm qua, Tây Nguyên mất đi 360.000 ha rừng, chủ yếu trong đó là sự đánh đổi chủ động của cơ quan quản lý. Đáng buồn là không ít cánh rừng bị “phù phép” thành rừng nghèo để chuyển đổi sang trồng cao su (dự án 100.000 ha rừng chuyển đổi sang trồng cao su ở Tây Nguyên). Mục tiêu nâng độ che phủ rừng thì luôn đặt cao, nhưng hành động quản lý trên thực tế đi ngược lại. Thực tế, những năm qua và ngay ở thời điểm hiện nay, đều cho thấy, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp thì tận dụng mọi cơ hội để chuyển đổi đất rừng sang đất phi lâm nghiệp, làm dự án, không ai nghĩ đến việc bảo vệ rừng, chứ chưa nói đến làm giàu rừng.
Hạn hán lịch sử ở Tây Nguyên lúc này không phải chỉ do thiên tai, nó còn do sự tác động thô bạo của các dự án vào các dòng sông và các cánh rừng. Hết sông Sê San, sông Ba rồi sông Sê Rê Pôk, hết khúc sông này đến khúc sông khác của Tây Nguyên bị băm vằm, làm biến dạng để phục vụ thủy điện. Một Tây Nguyên được coi là đại ngàn và huyền thoại, với những cánh rừng ngút ngàn, những dòng sông hùng vĩ gắn với đời sống của những cộng đồng đầy bản sắc văn hóa truyền thống, nhưng giờ đây, có hàng trăm ngàn người đang phải khóc bên những dòng sông khô cạn, bên những cánh rừng trơ trọi. Cần thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử với rừng, với những dòng sông ngay từ các cấp quản lý, là điều cần thiết lúc này để Tây Nguyên không phải hứng chịu thêm những hậu quả to lớn.
Nguyễn Nguyên