Rộn rã tiếng ve

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới chớm hè mà tiếng ve đã râm ran trên những tàng cây bên đường. Dù đã xa lâu rồi tuổi học sinh ngày hai buổi đến trường, nhưng mỗi khi nghe tiếng ve gọi hè, lòng tôi lại rộn rã.

Mới chớm hè mà tiếng ve đã râm ran trên những tàng cây bên đường. Ảnh minh họa
Mới chớm hè mà tiếng ve đã râm ran trên những tàng cây bên đường. Ảnh minh họa


Năm nay, Tây Nguyên thật lạ. Mùa khô mà thường xuyên có những cơn mưa. Chiều hôm qua, trời đổ trận mưa thật to, sáng ra cây cối được gột rửa sạch sẽ những lớp bụi bẩn xám xịt, thay vào đó là màu xanh mướt mắt của những chiếc lá non tơ.

Rồi nắng lên, những chú ve không biết chui từ đâu ra, đã đậu trên những cành lá xanh non để cất giọng reo vui, tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời của mình.

Ngày cuối tuần, tôi ngồi bên khung cửa sổ, thong thả với bữa ăn sáng muộn và vui vẻ lắng nghe bản nhạc rộn ràng của những chú ve nhỏ. Hẳn lúc này, trên mấy cành phượng vươn những mắt lá nhỏ ngoài kia cũng đang ủ những đốm lửa nhỏ, chờ ngày bùng cháy.

Nhanh thật! Mới tất bật với xuân, giờ đã rộn rã hè về. Phải chăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có quá nhiều thứ phải lo, nên không để ý đến thời gian, hoặc cảm giác thời gian trôi đi nhanh quá.

 Hèn gì, hôm qua đã nghe cu Tin, con chị Ba lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè sắp tới. Nó háo hức gọi điện về cho ông bà ngoại và dì út kể biết bao dự  định ấp ủ cho kỳ nghỉ dài ngày này. Nào là sẽ cùng ông ngoại đi câu cá, giúp bà ngoại làm việc nhà, giúp dì út đóng hàng hóa, còn có cả ra ruộng thả diều, đá banh với anh Hoàng học trên nó một lớp, ở gần nhà ngoại.

Thấy nó háo hức mà tôi cũng thấy nhớ tuổi thơ và những ngày hè đầy ắp kỷ niệm đẹp của mình.

Tuổi thơ của tôi cũng có những kỳ nghỉ hè dài ngày. Thời đó, cuộc sống gia đình còn khó khăn, vất vả, khi nghỉ hè, chị em tôi thường phải phụ việc nhà. Có khi là ở nhà nấu cơm, nấu nước mang ra đồng cho ba má và mấy cô phụ giúp gia đình làm cỏ lúa; hay cùng ba má lên rẫy làm cỏ mì…

Nhưng giống như bất cứ đứa học trò nào, chị em tôi luôn mong hè về,  để được chơi đùa thỏa thích mà không bị người lớn la rầy.

Và với chị em tôi, mùa hè luôn tràn đầy niềm vui!

Hôm nào cũng vậy, làm xong việc nhà, chị em tôi cùng lũ trẻ con trong xóm lại tụ tập bày đủ trò chơi. Hôm thì thả diều, bữa thì đá banh, hái chim chim dủ dẻ…, chẳng bao giờ biết chán.

Tôi còn nhớ vào một dịp hè, chị Ba- mẹ cu Tin bây giờ, rủ cả bọn con nít trong xóm lên rẫy hái chim chim dủ dẻ. Khi đi ngang rẫy bà Năm, nghe mùi mít chín, mấy đứa lẻn vào hái trộm rồi khui ăn tại chỗ. Ai ngờ bị bà Năm phát hiện khiến cả bọn một phen hú hồn, đứa nào cũng nghĩ “phen này chết chắc, không bị phạt thì cũng bị “méc” bố mẹ, ăn roi là chắc”. Nhưng may sao, bà Năm chỉ rầy mấy câu rồi cho qua.

Bây giờ, bà Năm đã già, trí nhớ bị giảm sút nhiều nên không còn nhắc lại chuyện cũ. Nhưng chị Ba và cả nhóm con nít ngày ấy không bao giờ quên. Mỗi khi có dịp tụ họp, mọi người thi nhau nhắc lại chuyện cũ như một kỷ niệm vui của thời thơ ấu.

Bây giờ ở quê đã có nhiều đổi khác. Nhất là những cánh đồng lúa không còn được trải rộng; rẫy mì, rẫy đậu, rẫy bắp của bà con cũng không còn “thả cửa” như ngày trước, mà đều được rào chắn cẩn thận, có nhà còn xây hẳn tường rào, nhưng điều đó không khiến cho lũ trẻ ở quê mất đi niềm vui của ngày hè.

Chiều chiều, nhìn tụi nhỏ tập xe đạp trên đường làng, hay xúm nhau thả diều, đá gà cỏ, đá banh… bên khu ruộng mới thu hoạch xong của một nhà nào đó, mà vui và yên bình đến lạ.

Có lẽ do đã trải qua mấy mùa hè ở quê rồi nên cu Tin cũng cảm nhận được điều đó. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến hè là nó lại đòi về ngoại.

Dàn đồng ca ve chợt lên nốt cao kéo tôi ra khỏi miền ký ức thời thơ ấu, trở lại với buổi sáng cuối tuần trong trẻo, yên bình. Cơn mưa hôm qua cũng làm dịu mát hẳn bầu không khí ngột ngạt mùa khô Tây Nguyên.

Gọi điện cho chị Ba nói chuyện nghỉ hè, chị phát hiện tôi không mở những bản nhạc không lời du dương để thư giãn dịp cuối tuần như mọi hôm. “Để cho tiếng ve lăn khắp nhà”- tôi cười.

“Lớn rồi mà vẫn vậy, bảo sao cu Tin không háo hức cho kỳ nghỉ hè”- chị Ba giả bộ trách.

Tôi biết chị Ba nói vậy thôi, chứ chắc lòng chị cũng rộn rã bởi tiếng ve, và cũng đang sống lại những ngày hè tuổi thơ êm ả.

Theo SÔNG CÔN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...