Đã nghe kể nhiều về tinh thần vượt khó, cần cù lao động của chị Niệm, nhưng mãi đến đầu tháng 10-2024, chị mới thu xếp được thời gian phù hợp để gặp chúng tôi. Trong số hàng chục công nhân đang bàn giao mủ cho Đội sản xuất số 9, chị nổi bật hơn cả bởi tính hoạt bát, năng nổ và luôn động viên công nhân giao mủ đúng số lượng, bàn giao đầy đủ vật tư cho đơn vị. Khi biết chúng tôi đến thăm, chị cười vui: “Các anh chờ một chút. Tôi đôn đốc công nhân giao mủ xong rồi chúng ta nói chuyện”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Chị Hoàng Thị Niệm là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Năm 18 tuổi, chị chọn Gia Lai để lập nghiệp. Tròn 11 năm kể từ ngày đặt chân lên miền đất đỏ cao nguyên, đến nay, cô gái trẻ ngày ấy đã trở thành thợ khai thác mủ cao su giỏi, là công nhân ưu tú của Binh đoàn và là Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đội 9.
Để có được những thành công trên vùng đất Tây Nguyên, chị phải vượt qua sự khác biệt về thời tiết, đời sống sinh hoạt so với lúc sống ở quê. Nhưng khó khăn dần qua đi, chị đã tự động viên mình phải nỗ lực vì chỉ có chăm chỉ lao động mới là con đường để cải thiện cuộc sống, để khẳng định giá trị của bản thân.
Chị chia sẻ: “Quê tôi cũng có nhiều người vào Gia Lai lập nghiệp. Đến nay, họ đã có cuộc sống ổn định. Lúc đầu, ai cũng khó khăn, nhất là đối với những công nhân cạo mủ cao su. Cạo mủ không khó nhưng cạo đúng kỹ thuật, được nhiều mủ, không ảnh hưởng đến cây mới là điều cần quan tâm. Cái gì không biết thì mình phải học”. Nhờ xác định rõ nhiệm vụ chính của người thợ làm nghề khai thác mủ, chị luôn cần mẫn học hỏi, luyện tập để nâng cao tay nghề.
Đại tá Nguyễn Phúc Khính-Giám đốc Công ty 715: Chị Niệm là công nhân có tay nghề giỏi và luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động công nhân nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì thế, chị có 8 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2016-2023), được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 tặng 7 bằng khen.
Khi được hỏi về kinh nghiệm, chị cho hay: “Tôi nghĩ là phái nữ thường đã có sẵn đức tính tỉ mỉ, chăm chỉ rồi. Chỉ cần mình để ý cẩn thận hơn, trau chuốt hơn trên từng đường cạo, không vội, không ẩu, không tùy tiện thì vườn cây sẽ được khai thác đúng kỹ thuật, duy trì ổn định chu kỳ khai thác và đạt sản lượng cao. Cây cao su có phát triển mới cho nhiều mủ nên phải chăm sóc, bón phân, làm cỏ vệ sinh miệng cạo đầy đủ”.
Hiện nay, chị Niệm nhận chăm sóc, khai thác 3,5 ha cao su. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây lúc nào cũng cho năng suất mủ cao. Hàng năm, bình quân mỗi héc ta vườn cây, chị khai thác đạt năng suất 2,3 tấn mủ quy khô. Sản lượng giao khoán hàng năm đều vượt chỉ tiêu so với kế hoạch giao 15-45%. Nhiều năm chị là một trong số ít công nhân của Binh đoàn 15 khai thác vượt chỉ tiêu 127-131% kế hoạch giao. Nhờ vậy, thu nhập hàng tháng của chị đạt bình quân gần 8 triệu đồng.
Với sự tích lũy kinh nghiệm và luôn nỗ lực để vươn lên, chị Niệm cũng là cái tên thường xuyên được vinh danh “Bàn tay vàng” trong các hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su cấp công ty. Đặc biệt, chị là một trong số ít công nhân người dân tộc thiểu số được đơn vị chọn làm trợ giáo cho Công ty, với nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ công nhân mới vào nghề và bồi dưỡng cho các anh chị em tay nghề còn hạn chế.
Bên cạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, chị còn được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đội 9. Với vai trò này, chị luôn gần gũi, hòa đồng với công nhân trong đơn vị, nắm bắt tâm tư, tình cảm để đề xuất đơn vị có nhiều biện pháp giúp đỡ. Đồng thời, đề xuất với Ban Chấp hành Công đoàn thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống và bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho người lao động. “Tôi luôn hiểu rằng uy tín phải đi liền với trách nhiệm. Nếu mình không thực hiện hết trách nhiệm của một người công nhân với đơn vị, với vườn cây, không có uy tín thì sẽ không tuyên truyền, vận động người khác chấp hành”-chị Niệm bày tỏ.