Hội Đông y tỉnh Gia Lai chung tay vì người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Đông y tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó có việc khám-chữa bệnh từ thiện cho người nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hùng-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh-cho biết: Công tác khám-chữa bệnh từ thiện luôn được Hội Đông y tỉnh quan tâm triển khai thường xuyên. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cơ sở khám-chữa bệnh từ thiện gồm: Phòng khám nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ và Hội Đông y TP. Pleiku phối hợp (tại 142 Trần Phú); Tuệ Tĩnh đường chùa Bảo Sơn (84 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku); Phòng khám từ thiện Đông y Thiện Minh (197 Trần Hưng Đạo, thị xã An Khê) và Phòng chẩn trị của Hội Đông y tỉnh (06 Võ Thị Sáu, TP. Pleiku).

Các cơ sở này đã khám-chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Khối thi đua các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp tỉnh (Hội Đông y tỉnh làm Trưởng khối) thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Kbang. Ảnh: N.N

Khối thi đua các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp tỉnh (Hội Đông y tỉnh làm Trưởng khối) thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Kbang. Ảnh: N.N

Đi vào hoạt động từ năm 2008 đến nay, Phòng khám nhân đạo Tuệ Tĩnh đường của chùa Bảo Sơn duy trì khám-chữa bệnh từ thiện vào buổi chiều các ngày thứ hai, tư, sáu, bảy và chủ nhật cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, phòng khám tiếp nhận và khám-chữa bệnh miễn phí cho trên 3.000 lượt bệnh nhân, mỗi năm cấp miễn phí trên 10.000 thang thuốc.

Sư cô Thích Nữ Minh Chánh-Phụ trách phòng khám-chia sẻ: Phòng khám hiện đã chuyển về địa chỉ 150/3 Nguyễn Thiếp (TP. Pleiku) và tiếp tục thực hiện khám-chữa bệnh từ thiện cho người dân.

Chị Dương Thị Mơ (thôn 2, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho biết: Chị bị thoái hóa đốt sống gây tê buốt vùng cổ, tay và lưng nhiều năm qua. Dù đã tích cực trị liệu bằng Tây y nhưng bệnh không thuyên giảm, cứ hết thuốc lại đau. “Biết Phòng khám nhân đạo Tuệ Tĩnh đường khám-chữa bệnh từ thiện cho người nghèo, khó khăn nên tôi tìm đến. Qua châm cứu trị liệu và được hướng dẫn cách tập dưỡng sinh kết hợp, bệnh tình của tôi đã cải thiện nhiều”-chị Mơ nói.

Hoạt động từ năm 2022 đến nay, Phòng khám từ thiện Đông y Thiện Minh đã khám-chữa bệnh miễn phí cho nhiều người dân ở thị xã An Khê. Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng-Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã An Khê, Chủ phòng khám-thông tin: Phòng khám có 4 giường bệnh với đầy đủ trang-thiết bị như: máy kéo cột sống, máy sóng siêu âm, đèn hồng ngoại... và một số thuốc tân dược, Đông dược để khám-chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, khó khăn và những ai có nhu cầu. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khám-chữa bệnh cho từ 5 đến 10 bệnh nhân. Phòng khám chuyên về châm cứu và thiên về điều trị không dùng thuốc. Nguồn kinh phí khám-chữa bệnh từ thiện huy động từ sự hỗ trợ của các phật tử, Mạnh Thường Quân.

Khám-chữa bệnh tại Phòng khám từ thiện Đông y Thiện Minh hơn 3 tháng qua, bà Bùi Thị Hồng (tổ 6, phường An Phú, thị xã An Khê) cho hay: “Qua điều trị châm cứu, bệnh thoái hóa đốt sống cổ của tôi đã đỡ nhiều. Con gái và chồng tôi cũng tìm đến đây để nhờ thăm khám, điều trị. Được điều trị miễn phí giúp gia đình vơi bớt khó khăn”.

Trong khi đó, Phòng chẩn trị của Hội Đông y tỉnh ngoài khám-chữa bệnh dịch vụ cho người dân còn quan tâm khám bệnh, tư vấn, chữa bệnh bằng châm cứu miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. 5 năm qua, phòng đã khám bệnh, điều trị bằng châm cứu và thuốc y học cổ truyền cho trên 5.700 lượt bệnh nhân, trong đó có gần 2.800 lượt người sử dụng các phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt).

Ngoài khám-chữa bệnh từ thiện, Hội Đông y tỉnh còn tổ chức phổ cập kiến thức, tác dụng của Đông y đến với người dân. Năm 2020, Hội phối hợp với Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tổ chức lớp xoa bóp, bấm huyệt không thu phí cho gần 190 học viên là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và người mù của tỉnh. Kết thúc khóa đào tạo, 112 học viên đủ điều kiện kiểm tra và được cấp chứng chỉ để tìm việc làm tại các cơ sở hành nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội tiếp tục thực hiện sứ mệnh giữ gìn bản sắc Đông y trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển hội viên, trồng thuốc Nam, đào tạo nhân viên y tế… nhằm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Hội sẽ củng cố và phát triển các cơ sở khám-chữa bệnh từ thiện, huy động nguồn lực xã hội hóa để khám-chữa bệnh từ thiện cho người nghèo, người khó khăn, phấn đấu hàng năm khám, điều trị miễn phí cho 15.000 lượt bệnh nhân. Đồng thời, Hội quán triệt các phòng khám tư nhân của hội viên khám-chữa bệnh đúng quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.