Gia Lai: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc giai đoạn 2023-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Chiều 5-12, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc giai đoạn 2021-2023, định hướng giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân tộc-HĐND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT cùng 183 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục dân tộc của các phòng GD-ĐT; lãnh đạo, giáo viên các trường phổ thông thuộc Sở và Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Giai đoạn 2021-2023, bằng sự chung tay của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng ngày càng được nâng lên, duy trì ổn định qua các năm học. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai nhiều năm liền đạt 100%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 80%. Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” được các đơn vị, trường học quan tâm, đảm bảo học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của cấp học.

Quy mô, mạng lưới trường lớp không ngừng được củng cố, phát triển. Tính đến đầu năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh có 756 trường mầm non và phổ thông với 418.617 học sinh/12.227 lớp; trong đó, học sinh DTTS chiếm trên 46%. Toàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, 27 trường phổ thông có học sinh bán trú. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các bậc học là 21.723 người.

Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, đáp ứng nhiệm vụ dạy-học và yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện tỉnh có 3.416 phòng học văn hóa và phòng học bộ môn từ bậc mầm non đến THPT. Riêng các trường phổ thông dân tộc nội trú có 18 nhà ăn, 539 phòng ở nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú có 24 nhà ăn, 202 phòng ở bán trú.

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh, chính quyền địa phương với nhà trường, góp phần duy trì sĩ số học sinh và xây dựng cảnh quan học đường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hoạt động giáo dục đặc thù được các đơn vị tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh DTTS và điều kiện của nhà trường; tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và giúp học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển toàn diện năng lực cá nhân. Các chế độ, chính sách cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và đối với nhà giáo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định; tổ chức tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh học đường…

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe một số đơn vị tham luận về công tác chỉ đạo và kết quả huy động học sinh DTTS đến trường từ mầm non đến THCS; kinh nghiệm dạy học giúp nâng cao tỷ lệ học sinh DTTS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; giải pháp nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS; kinh nghiệm trong công tác ôn tập, phụ đạo ngoài giờ chính khóa góp phần nâng cao chất lượng học sinh DTTS tại trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS giai đoạn 2021-2023, định hướng giai đoạn 2023-2025…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công nhấn mạnh: Hội nghị lần này là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trường học trong việc thực hiện các tiêu chí của kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS của giai đoạn 2021-2023; đồng thời, đề ra những định hướng và giải pháp thực hiện hiệu quả cho giai đoạn 2023-2025 nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển về GD-ĐT đối với đồng bào DTTS, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng khẳng định: Ngành GD-ĐT trân trọng, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị. Theo thẩm quyền, Sở sẽ có những văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; cùng với đó, tổng hợp, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: 200 học sinh được trang bị kỹ năng phòng-chống đuối nước

Pleiku: 200 học sinh được trang bị kỹ năng phòng-chống đuối nước

(GLO)- Sáng 6-5, tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Yên Đỗ phối hợp với Đoàn Thanh niên, Trạm Y tế phường tổ chức tập huấn kỹ năng “Phòng-chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em” cho hơn 200 em học sinh của trường.
406 thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

406 thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Ngày 4 và 5-5, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 2 năm 2024. Kết quả bài thi này là một trong những phương thức dành cho thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành đào tạo chính quy của trường.

Học trò nông trường năm ấy

Học trò nông trường năm ấy

(GLO)- Tôi được chuyển từ Trường Sư phạm Mẫu giáo Gia Lai-Kon Tum (đóng ở Kon Tum) về Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai) từ đầu năm học 1977-1978. Sau đó, nhà trường điều tôi vào dạy lớp 1 tại điểm trường làng Delung. 
Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

(GLO)- Những con số của sử liệu thường khô cứng, vì thế không gì dễ đi vào lòng người bằng bài học lịch sử trực quan, sinh động, bằng “mắt thấy, tai nghe”. Một khi tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc cũng được nhân lên.