Phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông: Đa dạng hình thức, phong phú nội dung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) luôn được các ngành, địa phương quan tâm triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương và từng đối tượng.

Thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông

Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh và cấp huyện đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương và theo chủ đề hàng năm do Ủy ban ATGT Quốc gia đề ra. Bên cạnh đó, tuyên truyền bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ; quy tắc giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, quy định pháp luật mới ban hành; văn hóa giao thông; các biện pháp hạn chế tai nạn liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy như: đã uống rượu, bia thì không lái xe, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô... với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Hàng năm, Ban ATGT tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Tỉnh cũng đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Chương trình “Kết nối cộng đồng-Vì ATGT”; triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” phát huy hiệu quả tốt trong thực tiễn.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: Hạ Vy

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: Hạ Vy

Hàng năm, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thi ATGT; diễu hành, xe loa lưu động, triển lãm tranh ảnh, lắp đặt pa nô, áp phích, in ấn băng đĩa, tài liệu, phát tờ rơi tuyên truyền; nói chuyện chuyên đề trong và ngoài trường học; tổ chức đăng ký gia đình và khu dân cư ATGT; phân công cán bộ đến các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền miệng kết hợp với chiếu phim, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ.

Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức 41 buổi diễu hành; 24.773 lượt tuyên truyền bằng xe loa lưu động; treo, lắp đặt 2.138 băng rôn, 1.990 pa nô, áp phích, hình ảnh tuyên truyền tại các địa điểm công cộng, trường học, khu vực tập trung đông dân cư; in ấn, cấp phát 457.757 tờ gấp, tờ rơi, 2.999 băng đĩa, 145.591 tài liệu tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT. Cùng với đó, các cấp, các ngành đã tổ chức trên 106.636 lượt tuyên truyền ở địa bàn dân cư, nói chuyện chuyên đề trong và ngoài trường học với hơn 6.779.243 lượt người tham gia; tổ chức 455 lớp tập huấn cho 37.024 lượt cán bộ, hội viên... Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức cho 300.000 hộ gia đình, 1.576 khu dân cư đăng ký gia đình, khu dân cư bảo đảm trật tự, ATGT.

Công an tỉnh đã gọi hỏi, răn đe 16.101 đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm pháp luật về giao thông, kiểm điểm trước dân, giao cho gia đình giáo dục, quản lý và yêu cầu viết cam kết không tái phạm; trực tiếp tuyên truyền pháp luật về giao thông tại 6.345 địa bàn dân cư, trường học, điểm nhóm tôn giáo, trại giam, doanh nghiệp vận tải, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, chủ xe công nông… với hơn 1,5 triệu lượt người tham gia; đã vận động và cho 43.658 hộ gia đình có xe máy kéo nhỏ ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, qua đó có 37.525 xe máy kéo nhỏ đã gắn biển phản quang, 7.875 xe được lắp đèn chiếu sáng. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức cho 3.452 hộ gia đình hội viên phụ nữ có xe công nông ký cam kết lắp đèn phản quang.

Công tác giáo dục pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông trong trường học được chú trọng, tích hợp giáo dục về ATGT cho các cấp học phù hợp theo từng lứa tuổi. Các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền ATGT theo hướng sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi tiểu phẩm, hoạt cảnh sân khấu, tăng cường các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm hàng năm, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Các cơ quan báo chí đứng chân trên địa bàn tỉnh, phòng văn hóa-thông tin, hệ thống đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện xây dựng, đăng, phát tin, bài, phóng sự phản ánh toàn diện hoạt động của các cấp, các ngành, tình hình trật tự, ATGT, tai nạn giao thông. Trong giai đoạn 2012-2022, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã thực hiện hơn 2.000 tin, bài tuyên truyền về trật tự, ATGT; Báo Gia Lai có hơn 950 tin, bài, ảnh được đăng tải tuyên truyền về trật tự, ATGT; Báo Gia Lai điện tử đăng tải hơn 3.500 tin, bài và trên 50 video clip tuyên truyền về lĩnh vực này. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo trật tự, ATGT.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền

Cùng với những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT có lúc, có nơi đạt hiệu quả chưa cao, nhất là trong đối tượng thanh-thiếu niên. Trên thực tế, thói quen sử dụng rượu, bia của người dân trong các dịp lễ, Tết, hiếu, hỷ vẫn diễn ra phổ biến. Nhận thức về ATGT, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa chuyển biến mạnh mẽ. Nguy cơ gây tai nạn giao thông trong thanh-thiếu niên, người dân tộc thiểu số còn cao.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đến được đa số tầng lớp nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thanh-thiếu niên. Các cấp ủy, chính quyền chưa phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cộng đồng, giáo dân.

Công an huyện Chư Păh phối hợp với Công an xã Ia Khươl tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân thôn Tơ Vơn 2. Ảnh: Minh Phương

Công an huyện Chư Păh phối hợp với Công an xã Ia Khươl tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân thôn Tơ Vơn 2. Ảnh: Minh Phương

Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong thời gian đến cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vai trò của người dân trong đảm bảo trật tự, ATGT ở địa bàn cơ sở, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong đảm bảo trật tự, ATGT. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Bên cạnh đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT. Xác định mục tiêu làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người tham gia giao thông, chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, tận dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiện ích nền tảng internet, mạng xã hội để tuyên truyền theo hướng trực quan, sinh động, dễ tiếp thu, tạo sức hút với đối tượng tuyên truyền, nhất là thanh-thiếu niên.

Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả, tần suất tuần tra, kiểm soát, áp dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT. Thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, khoảng thời gian cao điểm để bố trí lực lượng, phương tiện, áp dụng đa dạng các biện pháp, phương thức tuần tra, kiểm soát phù hợp; tập trung kiểm tra, xử lý quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm để thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.

Có thể bạn quan tâm

Bắt 2 cán bộ hải quan nhận hối lộ

Bắt 2 cán bộ hải quan nhận hối lộ

(GLO)- 2 cán bộ Hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ (Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị cáo buộc nhận tiền chung chi, không thực hiện đầy đủ quy trình giám sát hải quan và tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu dầu FO, DO từ các tàu quốc tế.