Cảnh giác với lời hứa “chạy việc”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhờ xin việc cho con không thành, ông Trần Văn May (phường Yên Thế, TP. Pleiku) yêu cầu người được nhờ bồi thường gấp 3 lần số tiền đã đưa theo giấy cam kết giữa hai bên. Cho rằng người này có hành vi gian dối, không có khả năng lo việc cho con mình, chiếm đoạt tiền sử dụng trong thời gian dài mà không thực hiện nghĩa vụ bồi thường, ông May tiếp tục gửi đơn đề nghị xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn trình bày, ông May có quen biết ông H. (nhân viên an ninh Cảng Hàng không Pleiku). Năm 2017, ông H. nói sẽ lo liệu việc làm cho 2 con của ông May vào làm ngành Kiểm tra an ninh hàng không tại Sân bay Đà Nẵng với số tiền 600 triệu đồng. Ông H. viết giấy cam kết nếu không xin được sẽ bồi thường gấp 3 lần số tiền đã nhận.

Trong giấy cam kết viết tay ngày 16-11-2017 của ông H. đưa cho ông May có viết: “Nếu trên 37 tháng không lo được việc cho cháu K, N. con anh May thì tôi bồi thường gấp 3 lần chi phí của gia đình bỏ ra. Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Giấy cam kết viết tay của ông H. về việc xin việc làm cho con ông Trần Văn May (TP. Pleiku) và Mặt sau giấy cam kết. Ảnh: Minh Phương

Giấy cam kết viết tay của ông H. về việc xin việc làm cho con ông Trần Văn May (TP. Pleiku) và Mặt sau giấy cam kết. Ảnh: Minh Phương

Điều đáng nói là sau khi con ông May ra trường, ông H. không xin được việc làm như đã cam kết. Ông May tìm hiểu thì biết ông H. không dùng tiền này để chạy việc mà sử dụng vào mục đích cá nhân nên yêu cầu ông này hoàn trả lại số tiền đã nhận và bồi thường như cam kết.

Thế nhưng ông H. chỉ trả lại số tiền ban đầu đã nhận là 600 triệu đồng và không thực hiện việc bồi thường như đã thỏa thuận. Ông May cho biết, gia đình ông chỉ yêu cầu bồi thường 600 triệu đồng (thay vì 1,8 tỷ đồng theo cam kết) để lo việc cho các con nhưng ông H. cố tình lẩn tránh, cắt liên lạc.

Ông May nói: “Tôi nhận thấy đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, ông H. thực chất không có chức năng hay nhiệm vụ gì để lo được việc cho con tôi; đồng thời chiếm đoạt số tiền của tôi sử dụng trong thời gian dài và không thực hiện bồi thường theo cam kết, gây thiệt hại lớn về mặt tinh thần và vật chất đối với gia đình tôi”.

Theo ông May, gia đình ông đã khởi kiện vụ việc này lên Tòa án nhân dân TP. Pleiku. “Tiền bồi thường thì đã có pháp luật xử lý nhưng tôi muốn ông H. phải có trách nhiệm với gia đình. Ông H. định hướng và con tôi đã đi học ngành Kiểm tra an ninh từ năm 2017 đến năm 2020, giờ ra trường lại không có việc làm, vừa mất chi phí tiền ăn học, vừa mất tuổi thanh xuân của các cháu. Thông qua vụ việc, tôi cũng muốn mọi người biết bộ mặt thật của ông này, đừng cả tin mà “tiền mất tật mang”. Theo tôi tìm hiểu, còn nhiều người nữa chứ không riêng gì gia đình tôi là nạn nhân của ông H.”-ông May cảnh báo.

Sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của ông Trần Văn May, Cảng Hàng không Pleiku (cơ quan nơi ông H. đang làm việc) đã mời ông H. lên làm rõ những nội dung liên quan.

Ông Nguyễn Quang Huân-Phó Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku-cho biết: Tại buổi làm việc, ông H. giải trình: Số tiền ông May tố cáo là tiền đòi bồi thường, không phải là tiền nợ gốc. Theo thỏa thuận, ông H. đã xin cho con ông May đi học nhưng sau khi học xong thì không xin được việc làm. Ông H. sau đó đã gặp trực tiếp ông May để trả lại số tiền 600 triệu đồng.

Còn việc đòi bồi thường số tiền như đơn tố cáo, ông H. sẽ chấp nhận làm việc với ông May theo quy định của pháp luật. “Thực tế tranh chấp của ông H. và ông May là quan hệ giữa các cá nhân bên ngoài, không liên quan đến đơn vị. Chúng tôi đã đề nghị ông H. giải quyết dứt điểm tranh chấp này, đồng thời tuân thủ theo nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể để không làm ảnh hưởng đến cơ quan. Tuy nhiên, đến ngày 16-12-2022, ông H. đã nộp đơn xin nghỉ việc và đơn vị đã giải quyết theo nguyện vọng”-Phó Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku cho hay.

Trao đổi với P.V, luật sư Nguyễn Hữu Tự (Văn phòng Luật sư Hữu Tự, TP. Pleiku) nhận định: Nội dung thỏa thuận trong giao dịch (giấy cam kết) là trái quy định pháp luật. Giấy cam kết này không có giá trị, hiệu lực pháp lý, vì vậy giao dịch dân sự vô hiệu, không có căn cứ để bồi thường thiệt hại. “Việc một số đối tượng lợi dụng mối quan hệ quen biết để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa xin việc. Khi muốn xin việc vào một cơ quan, đơn vị nào đó, người dân cần tìm hiểu thông qua nhiều kênh thông tin, xác thực từ cơ sở, đừng chủ quan và quá tin tưởng vào những lời “có cánh” mà trở thành nạn nhân, vô tình có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật”-luật sư Tự cảnh báo.

Có thể bạn quan tâm

Lừa đảo qua mạng: Biến ảo khôn lường - Bài 1: Cạm bẫy khắp nơi

Lừa đảo qua mạng: Biến ảo khôn lường - Bài 1: Cạm bẫy khắp nơi

Những dịp lễ lớn (Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4, 1-5…) cận kề, dự báo các hình thức lừa đảo trực tuyến (nhất là cuộc gọi lừa đảo) tiếp tục gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp; công nghệ phát triển nhanh đã bị các nhóm tội phạm tận dụng để hình thành các hệ thống tổ chức lừa đảo mới, tinh vi.