Người dân tiếp tục kéo lên Sadeco đòi đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau nhiều lần bị thất hứa, ngày 9.10, người dân mua đất tại khu dân cư Phước Kiển 1 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) tiếp tục kéo lên trụ sở Công ty Sadeco giăng băng rôn đòi đất.
 
Liên tục bị lãnh đạo Công ty Sadeco lẩn tránh, người dân tiếp tục kéo đến trụ sở công ty này giăng băng rôn ẢNH: ĐÌNH SƠN
Liên tục bị lãnh đạo Công ty Sadeco lẩn tránh, người dân tiếp tục kéo đến trụ sở công ty này giăng băng rôn ẢNH: ĐÌNH SƠN
Thu 95% giá trị hợp đồng vẫn chưa đền bù xong
Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) đã mời công an phường Tân Phong (quận 7, TP.HCM) lên can thiệp vì sợ người dân gây rối mất trật tự. Tại đây, người dân đã trình bày việc họ mua đất 16 năm nhưng không được giao nền, nhiều nhà đã xây dựng từ lâu không được cấp sổ hồng. Đã nhiều lần người dân yêu cầu gặp lãnh đạo công ty này để đối thoại nhưng không được, buộc họ phải căng băng rôn. Khách hàng cũng lập biên bản làm việc với sự chứng kiến của công an phường Tân Phong và đề nghị Ban tổng giám đốc Công ty Sadeco bố trí lịch để đối thoại với họ.
Theo ông Hà Quang Toàn, chủ lô đất E53, năm 2008 ông đã ký kết với Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) để mua nền đất tại dự án Sadeco A. Ngay sau khi ký kết, ông đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với chủ đầu tư. Theo hợp đồng, khách hàng sẽ nhận được nền đất sau 12 tháng nhưng đến nay, một số khách hàng vẫn chưa được bàn giao nền. Những khách hàng nhận được nền xây nhà thì đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.
“Được biết hiện có 502/624 nền đất kinh doanh tại dự án trên đã được cấp sổ hồng, còn 122 nền chưa được cấp. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty Sadeco để hỏi lý do vì sao những nền đất còn lại không giao và những nền được giao đất chưa được cấp sổ hồng đều chỉ nhận được câu trả lời chung chung rằng… chờ”, ông Toàn cho biết.
Rất nhiều khách hàng mua đất tại đây hiện cũng đang bị “mắc kẹt” không thể làm sổ hồng được bởi diện tích thực tế chủ đầu tư giao lớn hơn so với diện tích trong hợp đồng từ khoảng 15 - 28 m2. Đáng nói, dù ký hợp đồng mua đất với chủ đầu tư có 3,4 triệu đồng/m2, nhưng phần đất tăng thêm này chủ đầu tư áp giá 10 triệu đồng/m2 trong khi phần đất này ở phía sau, không thể xây dựng, chỉ có thể làm sân vườn. “Chúng tôi mặc dù không muốn nhưng đã bị Công ty Sadeco ép phải nhận phần diện tích phát sinh này. Đối với phần diện tích đất phát sinh, chúng tôi đề nghị Công ty Sadeco giải quyết theo hướng có tình có lý vì tính từ lúc thực hiện hợp đồng góp vốn đến nay đã 16 năm”, một khách hàng mua đất tại đây nêu quan điểm.
Không những thế, đến nay sau hàng chục năm triển khai, bán nền cho khách hàng và thu đến 95% giá trị nền đất nhưng dự án vẫn chưa đền bù, giải phóng mặt bằng xong. Phần diện tích mà công ty này chưa hoàn thành việc bồi thường để giải phóng mặt bằng chủ yếu nằm ở các nền đất thuộc lô Q của dự án.
Đổ thừa do cơ quan chức năng
Theo thông tin từ Công ty Sadeco, hồ sơ xin cấp sổ hồng cho các nền còn lại đang được Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, thời điểm nào sẽ hoàn thành công ty này không cho biết rõ. Đồng thời, kêu gọi khách hàng thấu hiểu, thông cảm và chờ thêm một thời gian nữa.
Ông Đỗ Thế Huấn, Phó tổng giám đốc Công ty Sadeco thì cho biết đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại dự án, hiện chỉ còn 5 hộ dân với diện tích gần 930 m2. Công ty đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư tại dự án khu dân cư Phước Kiển 1 từ trước năm 2015. 
Ông Huấn cho rằng Công ty Sadeco là chủ đầu tư và có trách nhiệm phối hợp thực hiện các thủ tục đề nghị các cơ quan chính quyền có liên quan cấp sổ hồng, trong đó Sở Tài nguyên – Môi trường là cơ quan quyết định việc cấp sổ hồng cho đất nền tại các dự án. Chính vì vậy, Sadeco không hoàn toàn chủ động được về tiến độ thực hiện công tác cấp sổ. 
Thực tế là từ 2014 đến nay, công ty đã hoàn chỉnh hồ sơ và gửi 7 văn bản đến các cơ quan chức năng và Sở Tài nguyên – Môi trường đã cấp sổ đỏ cho 502/624 nền đất tại dự án. Số sổ đỏ còn lại Sở này chưa cấp do chưa xác định và hoàn tất nghĩa vụ đối với đất công (đất kênh rạch, đất đường đi) đan xen trong phạm vi dự án. Về việc này, liên tục từ năm 2011 đến nay, công ty đã gửi 9 văn bản, tham dự 2 cuộc họp và nhiều lần làm việc trực tiếp. Tính đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên – Môi trường đang thụ lý hồ sơ nhưng vẫn chưa xác định nghĩa vụ đối với đất công trong phạm vi dự án để công ty có cơ sở thực hiện.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, cơ quan này đã có văn bản gửi UBND huyện Nhà Bè xác định rõ phần diện tích đường giao thông, diện tích kênh rạch. Đồng thời rà soát pháp lý đối với phần diện tích đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, báo cáo về Sở Tài nguyên – Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND TP giải quyết quyền lợi cho người dân. Nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chậm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. 
Đổ qua, đổ lại, đã gần hai chục năm người dân mua nhà vẫn khổ sở vì có nhà không sổ, nhiều người chưa được nhận đất...
Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Theo Đình Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.

Gia Lai ban hành hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn tỉnh

Gia Lai ban hành hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn tỉnh

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 50/2024/QĐ-UBND quy định hạn mức công nhận đất ở, giao đất ở cho cá nhân, giao đất chưa sử dụng cho cá nhân, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25-10-2024.