(GLO)-Lật lại từng chi tiết ký ức cất giữ mấy chục năm, ông Sỹ xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn cung cấp nhiều thông tin xác thực cho các cơ quan chức năng, chính quyền thị xã An Khê tìm kiếm, cất bốc và quy tập 45 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 45 liệt sĩ đã sum vầy cùng đồng chí, đồng đội tại Nghĩa Trang liệt sĩ thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai vào ngày 22-12.
Từ thông tin của ông Sỹ, ông Phó, bà Tuyết, ông Châu, ông Bình… cung cấp thông tin về vị trí nơi chôn cất những ngôi mộ liệt sĩ cho các cơ quan chức năng, chính quyền thị xã An Khê, đến nay đã cất bốc và quy tập 45 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có 20 mộ lẻ và 1 ngôi mộ tập thể với 25 bộ hài cốt. Những ngôi mộ này tìm thấy gần cầu suối Vối thuộc tổ 1, phường Ngô Mây; nằm rải rác ở Gò Sặc, Bến Cát phường An Bình; phường An Phú và phường An Tân. Thời gian tới, dựa vào thông tin của người dân cung cấp, chính quyền địa phương và ngành chức năng xác lập bản đồ, lên kế hoạch tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thị xã.
Ông Sỹ bên hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh |
Dù bước vào tuổi 69 nhưng ông Huỳnh Văn Sỹ (thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê) vẫn rất nhanh nhẹn cùng con cháu sắp mâm cơm cúng các linh hồn liệt sĩ do Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cất bốt. Chính đôi tay này 50 năm trước từng đào hố chôn 25 liệt sĩ, nay làm mâm cơm, thắp thẻ nhang cầu mong các anh linh tha thứ. Ông Sỹ tâm sự: mỗi lần nhớ lại, hoặc có việc đi ngang qua ông cảm thấy rất có lỗi, dù không phải mình gây ra. Khi biết ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, được tuyên truyền vận động và thấy những chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước với những người bên kia chiến tuyến ông Sỹ đã quyết định nói ra, sau 50 năm giữ kín trong lòng.
Theo ông Sỹ, trước đây ông tham gia đi lính cho chế độ cũ đóng quân tại huyện Chư Prông, thấy chiến tranh ác liệt nên ông trốn về nhưng sợ bị địch bắt giết, nên ông lại tham gia vào lính nghĩa quân, đơn vị đóng tại huyện An Khê (nay thị xã An Khê). Giữa tháng 8-1968, trên địa bàn huyện An Khê chiến tranh diễn ra ác liệt, địch đưa thi thể bộ đội ta đổ đống tại bến xe cũ (nay thuộc phường Tây Sơn). “Sau đó bọn chúng giao nhiệm vụ cho tôi và 2 người nữa đi đào hố. 3 người chúng tôi men theo con đường hướng ra suối Vối, chọn gò đất gần suối, phát quang cỏ dại, bụi rậm tiến hành đào hố có chiều dài và rộng 2m, sâu khoảng 2,5 m. Bước sang chiều ngày thứ 3, chúng tôi bắt đầu chôn. Tổng cộng 2 lần vận chuyển 25 thi thể chỉ mặc quần đùi, không giày dép”-ông Sỹ nhớ lại.
Ông Sỹ cẩn thận phơi các tăng bọc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh |
Không trực tiếp chôn nhưng cách nay 15 năm, ông Kiều Phó (sinh năm 1950, tổ 2, phường An Bình) đã vô tình phát hiện ra ngôi mộ chôn liệt sĩ. Trong lúc đang cày ruộng tại khu vực Bến Cát, lưỡi cày vướng phải mảnh ni lông làm lộ hài cốt cùng một số vật dụng của bộ đội. Ông Phó vội váng lấp lại và không quên đánh dấu. Từ đó, cứ đến ngày 27/7 hàng năm ông đều cúng vọng và thường xuyên làm dấu. Nhờ đó mà dấu tích về ngôi mộ luôn được gìn giữ. “Gần đây, nghe thông tin các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cổ liệt sĩ. Tôi đã mạnh dạn đến cung cấp thông tin về nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ”-ông Phó nói. Ngoài ra, ông Phó còn cung cấp thông tin, năm 1972 cũng tại khu vực Bến Cát ông thấy những người lái xe ba gác chôn 6 ngôi mội liệt sĩ.
Tương tự bà Văn Thị Kim Tuyết (65 tuổi, tổ 8, phường An Bình) cũng cho biết, năm 1968, 1969 bà thấy xe của Mỹ chở rất nhiều xác bộ đội hy sinh nhiều nơi đưa về gần khu vui chơi, giải trí của Mỹ (nay thuộc tổ 2, phường An Bình) chôn cất. “Chúng đào 4 hố chôn chung hàng chục cán bộ, chiến sĩ bộ đội”-bà Tuyết cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê cho biết: theo những thông tin của người dân và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, cũng như sự vào cuộc của các ngành chức năng, Đội K52 đến nay đã cất bốc và quy tập 45 hài cốt liệt sĩ đều có những hiện vật đặc trưng chôn cùng như dép lốp, dây lưng, ví… chứng minh là bộ đội. Đặc biệt, từ ngày tìm thấy ngôi mộ chôn 25 liệt sĩ gần cầu suối Vối, rất nhiều ngươi dân tìm tới cung cấp thông tin. Đảng bộ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người sống xunh quanh cầu suối Vối, những người bên kia chiến tuyến xóa bỏ mặc cảm, tội lỗi, mạnh dạn cung cấp thông tin để chính quyền địa phương và ngành chức năng cất bốc và an táng liệt sĩ về nghĩa trang.
Ngọc Minh