Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 5 vừa qua, nông dân xã Cửu An rất vui mừng khi một phần diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ nay, sản phẩm trái cây của địa phương sẽ có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường, góp phần vào quá trình xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững mà thị xã An Khê đang hướng đến.
Dưới cái nắng oi bức, vợ chồng bà Lê Thị Anh (thôn An Điền Nam, xã Cửu An) vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây ăn quả hơn 5 sào của gia đình. Ngoài 300 cây quýt đường, 110 cây dừa xiêm xanh, 60 cây ổi nữ hoàng, gia đình bà còn trồng thử nghiệm mít Thái, hồng xiêm, na dai, bưởi da xanh, đu đủ lùn... “Một năm sau thời điểm nhà tôi xuống giống quýt cũng là lúc dự án xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu triển khai trên địa bàn xã. Khi được tuyên truyền và hiểu rõ lợi ích từ dự án này, chúng tôi liền đăng ký tham gia. Nay đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP rồi, sắp tới còn có tem truy xuất nguồn gốc nữa, hy vọng giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên, đầu ra cũng ổn định hơn”-bà Lê Thị Anh chia sẻ.
Thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Nguyễn Trung Thành (cùng thôn) cũng tích cực tham gia dự án với 5,5 ha cam sành và quýt đường. Theo anh Thành, gần 10 năm trước, gia đình anh đã trồng 1 ha quýt đường. Vì hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên quýt đường phát triển tốt, mỗi năm thu lời trung bình 500-600 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chăm bón theo cách truyền thống đã khiến cây quýt dần bị “ngộ độc”, năng suất giảm. “Hiện tôi đang phá bỏ chúng để trồng mới và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây khỏe, cho quả chất lượng hơn, hạn chế bị thương lái ép giá và quan trọng là đảm bảo sức khỏe, tạo sự tin cậy của người tiêu dùng. Hiện vườn cam sành đang cho thu bói với sản lượng tầm 5-6 tấn; dự kiến khi bước vào giai đoạn kinh doanh sẽ đạt từ 70 tấn trở lên”-anh Thành phấn khởi nói.
Vợ chồng bà Lê Thị Anh (thôn An Điền Nam, xã Cửu An) chăm sóc vườn quýt đường của gia đình. Ảnh: M.T
Vợ chồng bà Lê Thị Anh (thôn An Điền Nam, xã Cửu An) chăm sóc vườn quýt đường của gia đình. Ảnh: M.T
Thị xã An Khê hiện có khoảng 30 ha cây ăn quả có múi các loại. Trong đó, riêng xã Cửu An có gần 16 ha (13,4 ha quýt đường, 1,5 ha cam sành, 0,8 ha bưởi da xanh) đang trong giai đoạn chăm sóc và cho thu bói. Người dân lâu nay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân chưa cân đối đã gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng; sản phẩm chưa được chứng nhận chất lượng, giá cả không ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực tế đó, UBND thị xã An Khê đã phê duyệt dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cửu An” và giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã chủ trì thực hiện. Dự án có 17 hộ dân (thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cửu An) tham gia trên tổng diện tích 13 ha, sản lượng dự kiến 455 tấn/năm. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 8-2019 đến tháng 11-2020 với tổng kinh phí gần 815,6 triệu đồng (vốn ngân sách thị xã 335 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp). Khi tham gia dự án, nông dân được tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chị Võ Thị Trường Giang-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cửu An-cho hay: Ngày 27-5 vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Lâm Đồng) đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP cho Hợp tác xã đối với dự án trên. Sắp tới, chúng tôi còn nhận khoảng 30.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc để dán lên sản phẩm. Bà con tham gia đều rất phấn khởi. Thời gian tới, Hợp tác xã tích cực giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị và cửa hàng trái cây an toàn trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng với đó, chúng tôi đang ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đất Quảng Star (tỉnh Quảng Nam) triển khai mô hình trồng bưởi da xanh VietGAP tại địa phương vào tháng 7 tới. Đến nay đã có gần 20 hộ dân trong xã đăng ký tham gia với diện tích 10 ha. Công ty cam kết hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định 26.000-30.000 đồng/kg. Mô hình này cũng sẽ giúp người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Trung Thành (xã Cửu An) phấn khởi bên vườn cam sành áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: M.T
Anh Nguyễn Trung Thành (xã Cửu An) phấn khởi bên vườn cam sành áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: M.T
“Việc xây dựng vùng sản xuất trái cây an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho sản xuất cây ăn quả phát triển; qua đó thực hiện tốt kế hoạch phát triển cây ăn quả theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã. Sau khi dự án trên kết thúc, UBND xã và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cửu An sẽ có trách nhiệm vận động, hướng dẫn người dân nâng diện tích trồng để hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả VietGAP tại địa phương. Đồng thời, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi dự án ra các xã, phường lân cận như: An Phước, Xuân An, Tú An và Thành An trong những năm tiếp theo”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê Phan Ngọc Thành cho biết.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.