Ia Phang lập lại trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từng là “điểm nóng” về tai nạn giao thông (TNGT), tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, xã Ia Phang (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã kéo giảm rõ rệt TNGT. Vừa qua, xã được Ban An toàn giao thông huyện đánh giá là điểm sáng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở cơ sở.
Xã Ia Phang nằm cách trung tâm huyện Chư Pưh 4 km. Xã có 9 thôn, làng, trong đó có 6 làng người dân tộc thiểu số. Đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn xã với chiều dài trên 3 km vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Theo thống kê, trong 2 năm 2019-2020, trên địa bàn xã xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 7 người. Ngoài ra, còn có 14 vụ va chạm làm 16 người bị thương nhẹ. Đại úy Trần Công Viên-Trưởng Công an xã Ia Phang-đề cập: Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông khá lớn, trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chưa nghiêm, đặc biệt là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng TNGT diễn biến phức tạp trong các năm trước đây.

Thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 26-4-2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pưh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), xã Ia Phang đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, bắt tay thực hiện các nội dung theo yêu cầu. Trong đó, mỗi năm, xã đều xây dựng các kế hoạch chuyên đề cụ thể, sát với tình hình thực tiễn từng địa bàn để triển khai kéo giảm TNGT. Đặc biệt, từ hệ thống chính trị xã cho đến từng người dân đều chung tay vào cuộc trong việc đảm bảo trật tự ATGT; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ. Nổi bật nhất là các mô hình “Ánh sáng đường quê”, “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh” đã được xây dựng ở 6 thôn, làng. Từ năm 2019 đến nay, xã đã huy động nguồn lực lắp đặt được 98 bóng điện chiếu sáng, 24 mắt camera công cộng trên tuyến đường Hồ Chí Minh và các vị trí giao cắt trên hệ thống đường liên thôn. Ngoài ra, một người dân trên địa bàn còn trang bị 164 camera. Những thiết bị này được ví như “chiến sĩ không ngủ”, luôn theo dõi, ghi nhận các trường hợp vi phạm, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cũng như làm căn cứ để xử lý các trường hợp vi phạm.

Công an xã Ia Phang tuyên truyền, vận động cha mẹ các thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông quan tâm hơn đến con em mình. Ảnh: Lê Hòa
Công an xã Ia Phang tuyên truyền, vận động cha mẹ các thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông quan tâm hơn đến con em mình. Ảnh: Lê Hòa

Thượng tá Phạm Hồng Sơn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh: Xã Ia Phang là một trong những địa phương triển khai hiệu quả các mô hình “Ánh sáng đường quê”, “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh” góp phần hạn chế TNGT, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Điều này cho thấy, khi có sự vào cuộc của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận từ người dân, ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật sẽ góp phần tạo nên môi trường giao thông an toàn.

Ông Lê Văn Toàn-Trưởng thôn Hòa Lộc-chia sẻ: Chỉ trong 2 năm 2019-2020, thôn đã huy động đóng góp, lắp đặt được 110 bóng điện trên đoạn đường có tổng chiều dài 5,5 km với kinh phí 79 triệu đồng. Từ khi đường có đèn chiếu sáng vào ban đêm, số vụ TNGT được kéo giảm; đồng thời, tình trạng thanh-thiếu niên càn quấy tụ tập cũng giảm rất nhiều. Bà con đi lại vào ban đêm cũng an tâm hơn. Cùng với đó, thôn Hòa Sơn cũng triển khai mô hình “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh”. Theo đó, thôn trang bị 2 kẻng, 60 bóng điện chiếu sáng lắp đặt dọc 3 km đường thuộc 4 cụm dân cư, 9 mắt camera an ninh và 50 camera do các hộ dân lắp đặt. Thôn Hòa Thuận huy động lắp đặt 86 bóng điện dọc chiều dài 4,3 km đường… 
Theo Đại úy Trần Công Viên, trên địa bàn hiện chỉ còn làng Ia Ke và làng Briêng chưa xây dựng được mô hình “Ánh sáng đường quê”. Sắp tới, địa phương sẽ cố gắng vận động hoàn thành lắp đặt. Bên cạnh đó, xã còn xây dựng các đoạn đường tự quản. Đến nay, xã đã có 7/17 tuyến đường được giao cho các hội, đoàn thể quản lý với tổng chiều dài 4,2 km. Nội dung quản lý bao gồm: công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT, phát dọn hành lang không để cây bụi che khuất tầm nhìn, tuyên truyền pháp luật…
Cũng theo Trưởng Công an xã Ia Phang, qua khoanh vùng, đơn vị nhận thấy có 9 thanh-thiếu niên trên địa bàn xã thường xuyên có biểu hiện càn quấy, điều khiển xe lạng lách, đánh võng nên đã tiến hành gọi hỏi, răn đe. Đồng thời, Công an xã phối hợp cùng trưởng thôn xuống từng nhà, gặp gỡ trao đổi với cha mẹ các em để tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu gia đình ký cam kết không giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện điều khiển. “Sau các đợt này, nhiều thanh-thiếu niên trên địa bàn đã tự nguyện tháo các bộ phận độ chế trên xe máy đến giao nộp cho Công an xã. Chúng tôi rất mừng vì một số em đã hiểu ra được vấn đề”-Đại úy Trần Công Viên bày tỏ.
Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Ia Phang chỉ xảy ra 1 vụ va chạm giữa 2 xe tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh làm 1 người bị thương. “Thời gian đến, Ban ATGT xã và Công an xã sẽ tiếp tục đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời thường xuyên theo dõi, nắm bắt để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh”-Đại úy Trần Công Viên nhấn mạnh.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Kết nghĩa để xóa nghèo

Kbang: Kết nghĩa để xóa nghèo

(GLO)- Việc Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang (tỉnh Gia Lai) phân công các cơ quan, đơn vị của huyện kết nghĩa với làng vùng khó và phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku)-một khu nhà ở xã hội lâu năm của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

7 nhóm cá nhân được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

(GLO)- Sở Xây dựng Gia Lai vừa có Công văn số 853/SXD-QLN gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư dự án bất động sản về việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Trưởng ban công tác Mặt trận hết mình vì việc chung

Trưởng ban công tác Mặt trận hết mình vì việc chung

(GLO)- Với vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 6 (phường Trà Bá, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), ông Phạm Quang Dừa đã nỗ lực cùng tập thể tổ dân phố triển khai hiệu quả các mặt công tác, xây dựng địa bàn khu dân cư ngày càng ổn định và phát triển.
Người 39 năm làm già làng

Người 39 năm làm già làng

(GLO)- Ở tuổi 89, ông Han-già làng làng Chăm Nek (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) vẫn siêng năm lao động, truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm cho bà con dân làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.