Trong lúc đóng cánh cửa để xe nâng chạy qua, bàn tay nam công nhân ở Bình Dương vướng tay vào thanh sắt làm đứt 4 ngón.
Ê-kíp bác sĩ cấp cứu cho người bệnh |
Chỉ trong 30 phút, khoa cấp cứu BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận 3 trường hợp bị tai nạn lao động do sơ suất trong lúc làm việc.
Các công nhân này chủ yếu làm việc ở khu công nghiệp các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương.
Anh Nguyễn Văn Nhiên là công nhân ở Bình Dương, được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị đứt 4 ngón tay phải.
Anh kể khi lái xe nâng thì bị vướng cánh cửa. Thay vì xuống xe để đóng cửa, thì anh lại ngồi trên vô lăng với tay ra đóng.
Tuy nhiên tay anh bị vướng vào thanh sắt ở cửa, đúng lúc xe nâng qua khiến 4 ngón tay bị kẹt đứt.
Dù đau đớn nhưng anh vẫn cố lùi xe lại, lấy 4 ngón tay rồi tới cơ sở y tế cấp cứu. Anh Nhiên nói giờ tốn bao nhiêu tiền cũng chịu, miễn sao bác sĩ cứu giúp bàn tay để còn lao động.
BS Trần Quang Hiển-Phó trưởng khoa Cột sống A (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh), chấn thương của anh Nhiên khá nặng. Ngoài dập các ngón tay, thì anh này còn dập xương bàn tay.
Để có kết luận có giữ được ngón tay của người bệnh hay không thì cần phải xem xét tình trạng thương tổn.
Sau khi sơ cứu cho anh Nhiên, ê-kíp trực lại tiếp nhận một nam công nhân khác bị máy dập lon ép làm 2 tay dập nát.
Băng bó vết thương cho công nhân bị dập bàn tay |
Qua chụp chiếu, bác sĩ nhận thấy tay phải người bệnh dập nát, đứt gần lìa ngang bàn tay. Còn tay trái thì bị đứt lìa 1 đốt của ngón cái.
Trước khi chuyển lên TP.HCM, nạn nhân đã được đưa tới cơ sở y tế địa phương cấp cứu. Tuy nhiên phần đứt lìa không được bảo quản và có thể nhân viên y tế tuyến dưới đã vứt bỏ.
Theo nhận định của bác sĩ, để phục hồi các chấn thương dập nát, đứt bàn tay phải mất rất nhiều thời gian.
"Sau khi mổ xong, các bệnh nhân phải tập vận động ngón tay, khớp ngón tay trong thời gian rất dài thì mới hy vọng chức năng bàn tay trở lại bình thường được" -bác sĩ Hiển nói.
Văn Đức (Vietnamnet)