Bài thơ ít biết của nữ nhà báo Mai Trang về Người lái đò trên sông Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 22-8-1998, Chủ tịch nước ký Quyết định số 424/KT/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung úy Puih San (1937-2000) ở làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai. Ngày 12-6-2020, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 548/QĐ-UBND xếp hạng Bến đò A Sanh là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Puih San và A Sanh là một, nhưng nếu so sánh thì dễ thấy, bí danh A Sanh được nhiều người biết đến hơn là Puih San. Một trong những nguyên nhân khiến A Sanh nổi tiếng hơn Puih San bắt nguồn từ bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” do nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc từ tác phẩm cùng tên của nhà báo Mai Trang (Báo Nam Định).
Những người yêu âm nhạc Tây Nguyên hẳn ít người không thuộc lòng bài hát trong sáng và cực kỳ lay động này. Cả ca từ và giai điệu đều đẹp, hào hùng mà sâu lắng, cả tác phẩm ngời sáng như lý tưởng của người Anh hùng A Sanh trong bài hát: “Hỡi Pô Cô ơi! Dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm. Qua tháng ngày, hỏi sông ơi có biết anh lái đò tên gọi A Sanh…”. 
Nhưng, còn một sự thật khác nữa: Không nhiều người biết trọn vẹn bài thơ của nhà báo Mai Trang. Có thể vì nó ít được phổ biến, cũng có thể âm nhạc và thơ đã hòa thành một, để mang lại cho cuộc đời một vẻ đẹp đến độ tên những người tạo nên chúng bị mờ khuất? Dẫu thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là lý do khiến tôi giới thiệu bài thơ này cùng bạn đọc. Tác phẩm được in ở 2 trang 159 và 160 của tập sách “Việt Nam-Những bài thơ phổ nhạc” (Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000).
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Trong bài thơ viết về A Sanh, ta có thể nhận ra dáng vẻ của một người chèo thuyền can trường với nước da đen bóng, đôi mắt rực lửa căm hờn. Ta cũng hiểu thêm hoàn cảnh sống của A Sanh khi đó: Trong một trận càn, gia đình anh đã bị giặc tàn sát. Người em gái 17 tuổi bị giặc giết bằng cách treo lên cây. Quê hương bị giày xéo, người thân trong gia đình bị giết hại, hờn căm chồng chất trong tim, đó là lý do A Sanh thề sẽ xé xác giặc Mỹ “bằng đôi tay chèo chống giữa sông này”. Cứ như vậy, đã 8 năm trôi qua với bao chiến công lặng thầm…
Đây là một bài thơ có nhiều câu tả thực. Cùng với ca ngợi người anh hùng Tây Nguyên một cách gần gũi, tác giả còn lý giải nguyên nhân dẫn đến hành động anh hùng ấy. Đó là thành công của Mai Trang, một nữ nhà báo từ miền Bắc, lần đầu tiên vào Nam bằng đường bộ trên dãy Trường Sơn.
Ở góc độ âm nhạc, dù chưa lên Tây Nguyên lần nào, nhưng nhạc sĩ Cầm Phong đã chinh phục người nghe bằng một dải âm thanh trong sáng và hào hùng, lại giàu chất liệu địa phương. Có thể nói, ông đã chắt lọc được tất cả những gì tinh túy nhất trong bài thơ của Mai Trang để làm nên tác phẩm âm nhạc của riêng mình. Và ca khúc ấy đã được người yêu âm nhạc cả nước đón nhận nhiệt tình suốt nhiều chục năm qua.

Người lái đò  trên sông Pô Cô

Hỡi dòng sông mênh mông chảy xiết

Đôi bờ xanh xanh biếc cây xanh

Năm tháng trôi qua sông ơi có biết

Người lái đò tên gọi A Sanh.

Một chàng trai có nước da đen bóng

Đôi mắt sáng ngời ngọn lửa hờn căm

Gội nắng tắm mưa tay chèo vẫn vững

Những đêm bão bùng và những mùa trăng.

Đã bao lần Sanh tâm sự với dòng sông

Sông hẳn biết vì sao anh gắn bó

Kể từ khi con đường này mới mở

Có con thuyền trên mặt nước mênh mông.

Sông Pô Cô đáy sâu thăm thẳm

Ngọn núi kia chọc thủng mây xanh

Trong tim anh mối thù chất nặng

Hơn sông sâu, hơn ngọn núi quê anh.

Quên sao được trận càn năm ấy

Giặc giết mẹ, cha và cả người thương

Đứa em gái tuổi vừa mười bảy

Giặc treo lên cây đôi mắt mở trừng.

Đã nhiều đêm Sanh nằm trằn trọc

Không khóc mà sao nước mắt chảy hoài

Thằng Mỹ, Sanh thề xé tan xác

Bằng đôi tay chèo chống giữa sông này.

Mỗi chuyến đò đưa người đi đánh Mỹ

Mênh mang sóng nước buổi chiều hôm

Trận tuyến của Sanh âm thầm lặng lẽ

Tám năm trời ghi đậm chiến công.

A Sanh đã bắt làn sóng dữ

Phải cúi đầu cho thuyền cưỡi sóng qua

A Sanh đẩy lùi cả cơn nước lũ

Nước xiết, tay chèo bến chẳng xa.

Hỡi Pô Cô! Dòng sông chảy xiết

Đôi bờ xanh xanh biếc cây xanh

Năm tháng trôi qua giờ sông nhớ hết

Bóng dáng người lái đò tên gọi A Sanh.

MAI TRANG
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...