Phú Thiện: Đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) giảm sâu và bền vững.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Chị Kpă H’Min (tổ 9, thị trấn Phú Thiện) lập gia đình với 5 sào ruộng cha mẹ cho làm vốn. Mặc dù vợ chồng chăm chỉ làm lụng nhưng vẫn không thoát cảnh “ăn bữa sáng, lo bữa tối”. Năm 2015, gia đình chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 1 con bò để phát triển sinh kế.
Bên cạnh đó, nhờ tích cực tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên chị học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích như: gieo sạ đúng thời vụ, sử dụng giống lúa mới năng suất cao, tiết kiệm để tích lũy vốn đầu tư sản xuất. Năm 2016, gia đình chị vươn lên thoát nghèo. Cùng nguồn vốn dành dụm được, chị vay thêm 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua thêm đất rẫy trồng mì cao sản.
Chị H’Min tâm sự: “Nhờ có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành mà vợ chồng mình đã thay đổi thói quen trong canh tác, vươn lên thoát nghèo. Hiện gia đình mình có 6 con bò, hơn 3 ha đất nông nghiệp, có máy cày phục vụ sản xuất, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng”.
Chị Kpă H’Min (tổ 9, thị trấn Phú Thiện) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Chị Kpă H’Min (tổ 9, thị trấn Phú Thiện) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Tương tự, trước đây, gia đình chị Ksor H’Lẽh (thôn Plei Tel B, xã Ia Sol) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã động viên, chị tham gia tổ góp vốn xoay vòng. Từ việc mỗi năm đóng góp 1 triệu đồng để giúp chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chị bắt đầu biết tiết kiệm. Đầu năm 2020, từ nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, cùng 30 triệu đồng của tổ góp vốn xoay vòng, anh em hỗ trợ thêm vật liệu, chị xây được căn nhà mới với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.
“Ngoài là thành viên tổ góp vốn xoay vòng, mình còn tham gia mô hình “Phụ nữ tiết kiệm 5 đến 10 ngàn đồng/ngày”. Hiện gia đình mình có 5 sào lúa nước. Cuối năm nay, sau khi trả bớt vốn vay bên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, mình sẽ vay thêm vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua thêm rẫy trồng mì, thuốc lá để phát triển kinh tế gia đình”-chị H’Lẽh chia sẻ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Theo ông Đỗ Minh Huấn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Phú Thiện, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là bài toán khó, giảm nghèo bền vững lại càng khó hơn, bởi không ít hộ tái nghèo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tái nghèo như: thiếu kiến thức, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu nhân lực, thiếu vốn đầu tư, thiên tai, dịch bệnh... và nhất là tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nắm được tâm lý này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Phú Thiện thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách chi tiêu hợp lý, xây dựng các mô hình điểm, thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” để bà con mạnh dạn làm theo. Đồng thời, tích cực vận động hộ nghèo tham gia mô hình kinh tế tập thể để học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
Các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thu hút đông đảo bà con là dân tộc thiểu số tham gia.Ảnh.Vũ Chi
Các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Ảnh: Vũ Chi
Trên thực tế, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống người dân. Nhiều gia đình biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng cây-con giống mới cho năng suất cao. Nhiều hộ cải tạo vườn để trồng rau xanh, cây ăn quả, vừa phục vụ đời sống hàng ngày, vừa gia tăng thu nhập.
Bà Trần Thị Lệ Hằng-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện-cho biết: Nhờ kiên trì tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ kịp thời nên đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và có tinh thần vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2020, toàn huyện còn 1.313 hộ nghèo, chiếm 6,68%, giảm 1,72%; trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 83,32%, giảm 1,18% so với năm 2019.
“Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đánh giá hiệu quả cuộc vận động, biểu dương những mô hình hay, những điển hình tiên tiến nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”-bà Hằng cho hay.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).