Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp: Những bài học từ thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2022 do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức đã chọn ra 50 ý tưởng vào vòng chung khảo. Đặc biệt, với một số phụ nữ yếu thế, cuộc thi là cơ hội giúp họ vượt qua rào cản để vươn tới thành công.

Vượt qua chính mình

Mô hình sản xuất, kinh doanh các loại bánh cuốn Bắc, bánh phở truyền thống của chị Bùi Thị Hòa (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã vượt qua hàng trăm hồ sơ để lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”. Chị cũng là phụ nữ yếu thế duy nhất tại cuộc thi. Chị Hòa bị sốt bại liệt từ nhỏ nên việc di chuyển phụ thuộc vào đôi nạng gỗ. Cách đây hơn 10 năm, sau cuộc đại phẫu thuật, 2 chân của chị càng trở nên yếu ớt và sức khỏe giảm sút trầm trọng. “Tôi may mắn vì khởi nghiệp giữa thời đại công nghệ 4.0 nên có thể tận dụng những kênh bán hàng online. Tuy nhiên, đây cũng là kỹ năng mà tôi còn yếu. Nếu chỉ kết bạn thủ công trên Zalo, Facebook để tìm thị trường thì không phải là cách đưa sản phẩm của mình đi xa như mong đợi”-chị Hòa chia sẻ.

 Hội LHPN thị xã An Khê có nhiều hoạt động thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp như trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Châu
Hội LHPN thị xã An Khê có nhiều hoạt động thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp như trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Châu



Cũng là người có ý tưởng khởi nghiệp vào vòng chung khảo, chị Lê Thị Thu Hồng (xã Xuân An, thị xã An Khê) chia sẻ: Tuy nhiều lần nếm mùi thất bại nhưng điều đó không làm chị mất đi động lực. Chị tham gia sân chơi khởi nghiệp với mô hình trồng cây ăn quả đặc trưng của địa phương. “Tôi đã 2 lần khởi sự kinh doanh thất bại với việc buôn bán đất đai, nông sản, thua lỗ hơn 4 tỷ đồng. Nguyên nhân vì quá tin tưởng vào người thân, bạn bè, làm ăn không có hợp đồng, giấy tờ mang tính pháp lý. Với ý tưởng khởi nghiệp lần này, tôi nghĩ mình đã có những bài học kinh nghiệm để bắt đầu thuận lợi hơn”-chị Hồng tâm sự.     

Khởi nghiệp từ lợi thế bản địa

Phụ nữ mong muốn gì khi khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh bắt đầu từ đâu, cần tránh gì? Những vấn đề cốt lõi này đã phần nào được làm sáng tỏ tại lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức với sự tham gia của 50 phụ nữ có các ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu. Tại lớp tập huấn, bà Hồ Thị Quý-nguyên Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN Việt Nam), chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đã chia sẻ cho chị em những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm hữu ích.

 Phụ nữ Đak Pơ có nhiều mô hình khởi nghiệp sôi nổi, gắn với khai thác các lợi thế tại địa phương. Ảnh: Minh Châu
Phụ nữ Đak Pơ có nhiều mô hình khởi nghiệp gắn với khai thác các lợi thế tại địa phương. Ảnh: Minh Châu


Về vấn đề khởi sự kinh doanh nên bắt đầu từ đâu, chị Trần Thị Sen (phường An Tân, thị xã An Khê) cho rằng, phụ nữ nên bắt đầu từ những thứ nằm trong tầm tay và sự hiểu biết của mình, đặt hết tâm huyết vào đó để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Còn theo chị Trần Thị Bé (phường Hội Thương, TP. Pleiku) thì phụ nữ khởi nghiệp nên theo 2 hướng chính: từ giá trị cốt lõi (bên trong) và đưa cái mới từ bên ngoài về địa phương. “Các chị nên tìm hiểu sản phẩm thế mạnh của địa phương như nông sản, thực phẩm, ngành dịch vụ nào có thể phát triển để bắt tay kinh doanh. Trong quá trình đó, có thể nghiên cứu, tìm tòi thêm sản phẩm mới lạ mà người tiêu dùng cần nhưng địa phương không có để mang từ thị trường bên ngoài về”-chị Bé cho hay.

Bà Hồ Thị Quý cho rằng, khởi nghiệp đang là câu chuyện thời sự của đất nước và phụ nữ Gia Lai nhập cuộc rất chủ động. “Các chị có ý thức khai thác tốt thế mạnh bản địa, chất liệu địa phương. Tôi biết nhiều ý tưởng tham gia cuộc thi đã trở thành mô hình sản xuất kinh doanh trong thực tế, có sản phẩm vươn ra thị trường toàn quốc”-bà Quý đánh giá. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra những sai lầm cơ bản cần tránh, đó là khởi nghiệp theo trào lưu và cảm tính cá nhân, không lường trước rủi ro có thể phát sinh, quá tin tưởng người thân, bạn bè hay chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với đối thủ… “Kinh doanh bao giờ cũng đi liền với rủi ro. Nhưng trong rủi ro sẽ có cơ hội. Qua nhiều câu chuyện của phụ nữ cả nước, tôi thấy rủi ro đầu tiên mà chị em mắc phải là sự cả tin cùng người khởi sự và đối tác, không ghi lại hợp đồng khi làm việc với nhau trong thời gian dài. Thứ hai là chị em chưa tính toán kỹ chi phí tài chính, nên nhìn vào con số cứ nghĩ rằng có lãi song thực tế lại lỗ. Hội LHPN các cấp cần có trách nhiệm giúp chị em nhận diện những rủi ro trong từng ngành nghề, từng giai đoạn, để chị em có cách phòng bị giảm thiểu rủi ro một cách thấp nhất”-bà Quý nhấn mạnh.

 

 MINH CHÂU
 

 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.