(GLO)- Những năm qua, công tác phòng-chống HIV/AIDS tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn gặp khó trong ngăn chặn và loại trừ “căn bệnh thế kỷ”.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, toàn huyện có 31 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS tập trung ở các xã: Ia Le, Ia Blứ, Ia Hrú, Ia Dreng và thị trấn Nhơn Hòa. 6 tháng đầu năm 2018, huyện Chư Pưh chưa phát hiện trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới. Theo ông Trần Văn Thắng-cán bộ chuyên trách HIV/AIDS của Trung tâm Y tế huyện, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu do tiêm chích ma túy và qua đường tình dục.
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: internet |
Với quyết tâm đẩy lùi HIV/AIDS trên địa bàn, hướng tới mục tiêu loại trừ “căn bệnh thế kỷ”, nhiều năm qua, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Từ đầu năm đến nay, 9 xã và 1 thị trấn của huyện Chư Pưh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại và các biện pháp phòng tránh HIV/AIDS. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu và phát các tờ rơi, tài liệu phòng-chống HIV/AIDS; tổ chức xét nghiệm HIV/AIDS cho 200 lượt trường hợp. Đặc biệt, trong tháng cao điểm phòng trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con từ ngày 1 đến 30-6, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức mít tinh, truyền thông trực tiếp đến cộng đồng, nhất là các địa phương có người mắc bệnh, các thôn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống để nâng cao ý thức cho người dân trong phòng-chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện cũng đã tổ chức giám sát, gặp gỡ các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn để thu thập thông tin nhằm lập danh sách cụ thể gửi Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh tổng hợp để trình UBND phê duyệt kinh phí cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS.
Bác sĩ Phan Văn Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, cho biết: Những năm qua, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động phòng-chống và đạt được những kết quả nhất định. Trong 2 năm gần đây, trên địa bàn huyện không ghi nhận trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới. Đặc biệt, không phát hiện tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng-chống HIV/AIDS tại địa phương là tình trạng mất dấu bệnh nhân. “Có 8 trường hợp xét nghiệm tại các bệnh viện, trung tâm của tỉnh phát hiện nhiễm HIV/AIDS khai báo là người ở địa phương nhưng khi chúng tôi xác minh thì không có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS nói trên cố giấu thông tin cá nhân nên đã báo không đúng địa chỉ. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý bệnh nhân cũng như việc triển khai các hoạt động dự phòng lây nhiễm tại địa bàn. Một khó khăn nữa là kinh phí cho hoạt động phòng-chống HIV/AIDS bị cắt giảm ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai hoạt động phòng-chống căn bệnh này”-bác sĩ Hưng chia sẻ.
Nguyễn Tú