Phạm Thị Kim Ngà: Thu tiền tỷ từ nuôi cá lồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nói đến chị Ngà, bà con tổ 4 (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) đều thán phục bởi sự năng động, chịu khó trong sản xuất kinh doanh.
 Chị Phạm Thị Kim Ngà. Ảnh: H.Đ.T
Chị Phạm Thị Kim Ngà. Ảnh: H.Đ.T
“Ngoài những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mỗi người muốn khởi nghiệp thành công đều phải có sự đam mê và dấn thân”-đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Kim Ngà (SN 1985, tổ 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).

Mở đầu câu chuyện, chị Ngà kể: Tốt nghiệp THPT, chị theo học Trung cấp kế toán ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Học xong, chị nhanh chóng tìm được chỗ làm, nhưng mức lương chỉ vài triệu đồng mỗi tháng không đủ trang trải chi phí cho sinh hoạt bản thân. Là người năng động nên chị quyết định sẽ “tự bơi” bằng cách tập trung vào kinh doanh. Thấy bà con ở các vùng hồ thủy lợi, thủy điện nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Ngà lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật nuôi và đến học hỏi những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sau khi tìm hiểu kỹ và biết trên địa bàn thị trấn Ia Kha chưa có ai nuôi cá trên hồ thủy lợi Ia Năng, chị đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện để đầu tư nuôi cá lồng. 
Được chính quyền đồng thuận, với chút vốn tích lũy, chị Ngà vay mượn thêm của gia đình và bạn bè để đầu tư trên 200 triệu đồng làm 12 lồng nuôi cá, mỗi lồng có diện tích 24 m2. Tháng 8-2017, chị bắt đầu mua giống cá trắm cỏ về nuôi. Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình dễ dàng. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chỉ một thời gian sau cá bị chết gần hết khiến Ngà lỗ hơn 50 triệu đồng. Không nản lòng, Ngà tiếp tục tìm hiểu trên mạng và những người có kinh nghiệm thì nhận thấy nuôi cá điêu hồng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giống cá này cũng ít bị bệnh. Vậy là chị quyết định đầu tư theo hướng này. 
Chị Ngà cho biết: Để cá phát triển tốt thì môi trường nước luôn phải bảo đảm độ pH ổn định, không vẩn đục hay có rác thải trôi nổi mắc vào lồng. Việc bảo đảm nguồn nước trong lành sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, ít bị dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu của các giống cá nuôi trong lồng là cám viên nổi (cám công nghiệp). Từ khi chuyển qua nuôi cá điêu hồng, hiệu quả mang lại rõ rệt. “Chưa bao giờ cá điêu hồng nuôi bè có giá cao và mang lại hiệu quả kinh tế hấp dẫn như hiện nay”-chị Ngà nhận định. Cụ thể, từ khi thả cá đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng, nếu ổn định thì mỗi lồng sẽ cho thu 5-7 tấn cá, với giá như hiện nay (khoảng 40.000 đồng/kg), sau khi trừ tất cả chi phí sẽ cho nguồn lãi hơn 50 triệu đồng/lồng. Như vậy, với 12 lồng bè, nếu được giá và cá không bị dịch bệnh thì chị Ngà sẽ lãi hơn 1 tỷ đồng/2 vụ thu mỗi năm.
Tuy nhiên để đạt được con số ấy là điều không dễ dàng vì còn phải phụ thuộc vào thời tiết, thị trường... Để đầu ra ổn định, Ngà thường xuyên gặp gỡ đối tác tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi nếu không có đầu ra ổn định, khi cá đến kỳ thu hoạch không xuất được thì mỗi ngày phải tốn hơn 5 triệu đồng tiền thức ăn. Đây cũng là bài toán mà chị Ngà luôn trăn trở. Bên cạnh đó, “có những lúc nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết trắng cả lồng, nhìn mà xót, nhưng những lúc ấy mình phải thường xuyên cập nhật những kinh nghiệm, kỹ thuật để xử lý nguồn nước giúp cá ổn định và phát triển”-chị Ngà cho biết.
Nói về những thành công bước đầu của mình, chị Ngà chia sẻ: Trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh như hiện nay, việc tìm được chỗ đứng vững chắc không phải điều đơn giản, nhất là với các bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp. Chính vì thế, điều quan trọng là hãy luôn đặt ra cho mình những ý tưởng, mục tiêu để thực hiện. Dù có khó khăn nhưng bằng tình yêu và sự đam mê với nghề, sự bản lĩnh, năng động, dám dấn thân, vượt qua thử thách trên con đường phát triển kinh tế, ai cũng sẽ có cơ hội đi đến thành công.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của Phạm Thị Kim Ngà:
* Biết tận dụng lợi thế của vùng đất để khởi nghiệp.
* Nên xem thất bại là bài học quý.
* Tự tin vào chính mình và luôn đặt ra những mục tiêu phấn đấu.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.