Nuôi trùn quế và sâu canxi thu tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Bùi Duy Hải (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã nghiên cứu thành công cách sản xuất phân bón từ trùn quế và sâu canxi. Công việc này đem lại cho anh nguồn thu nhập mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên ở Đak Lak nhưng anh Hải lại chọn mảnh đất Ia Blang (huyện Chư Sê) để lập nghiệp. Cách đây vài năm, thấy cây hồ tiêu ở Chư Sê và Chư Pưh chết hàng loạt, anh bỏ công tìm hiểu nguyên nhân. Anh nhận ra, một trong những lý do khiến hồ tiêu chết hàng loạt là bởi nông dân lạm dụng phân hóa học.
 Bùi Duy Hải bên trại nuôi sâu canxi. Ảnh: H.Đ.T
Bùi Duy Hải bên trại nuôi sâu canxi. Ảnh: H.Đ.T
Với mong muốn giúp người dân từng bước tiếp cận phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, anh Hải đã tự mày mò nghiên cứu cách sản xuất phân trùn quế và các chế phẩm sinh học từ trùn quế. Đây là loại phân bón có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, tháng 4-2017, anh Hải thuê đất tại xã Ia Blang để đầu tư trang trại nuôi trùn quế. Anh chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí vài lần thất bại vì chưa nắm vững kỹ thuật nuôi trùn quế. Sau khi rút kinh nghiệm, tôi đã dần thành công, sản xuất được phân trùn quế đạt yêu cầu. Thế nhưng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại gặp khó vì người dân chưa quen với việc chăm sóc cây trồng bằng phân trùn quế. Do đó, tôi phải dành nhiều thời gian đi đến từng hộ dân để chào hàng, phân tích, thuyết phục họ rằng việc sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng sẽ đem lại nhiều lợi ích. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đồng thời qua thử nghiệm trực tiếp ở một số vườn cà phê, hồ tiêu đem lại hiệu quả rõ rệt nên người dân dần tin tưởng sử dụng phân trùn quế của tôi”.
Cũng theo anh Hải, trang trại của anh có 2 sản phẩm chính là phân trùn và trùn thịt. Phân trùn dùng để bón cho cây trồng còn trùn thịt dùng để sản xuất các loại chế phẩm sinh học phục vụ chăm sóc cây trồng và vật nuôi. Sau gần 2 năm bắt tay vào sản xuất, sản phẩm từ trang trại trùn quế của anh giờ đây đã đứng vững trên thị trường. Không chỉ nông dân ở Chư Sê, Chư Pưh mà các tỉnh lân cận như: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum đều tin dùng sản phẩm của anh Hải để bón cho các loại cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết: “Tôi sử dụng phân trùn quế của anh Hải để bón cho chanh dây thấy rất hiệu quả. Phân trùn quế có tác dụng làm giàu dinh dưỡng cho đất và kích thích sự sinh trưởng của cây trồng. Không giống như phân chuồng, phân trùn được cây trồng hấp thu nhanh. Bên cạnh đó, phân trùn quế còn tăng khả năng giữ nước trong đất và ngăn ngừa các bệnh trên tuyến rễ cây trồng”. Về tác dụng của phân trùn quế, anh Hải bổ sung thêm: “Sử dụng phân trùn quế bón cho cây trồng tức là mình đang làm nông nghiệp sạch, giảm tải ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, loại phân này còn có khả năng giúp cây kháng nấm bệnh, làm đất tơi xốp, giữ ẩm tốt”.
Mỗi năm anh Hải sản xuất được 400 tấn phân trùn quế và 1,2 tấn trùn thịt bán ra thị trường. Doanh thu từ trang trại trùn quế của anh đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh trùn quế, gần đây, anh Hải còn nuôi thành công sâu canxi. Sâu canxi có tác dụng giúp tăng thêm độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển. Bên cạnh đó, sâu canxi còn dùng để nuôi gà, thủy sản, các loại gia súc vì hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Nuôi sâu canxi nhanh cho thu hoạch, bình quân một lứa chỉ mất 14 ngày, sản lượng đạt khoảng 20 kg/m2. Mỗi tháng, trang trại của anh sản xuất được 5 tấn sâu canxi, bán với giá 15-25 ngàn đồng/kg. Trừ mọi chi phí thì mỗi năm, sản phẩm sâu canxi đem về cho anh nguồn thu gần 1 tỷ đồng. Theo anh Hải, nuôi sâu canxi cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trùn quế. Vì vậy, anh sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh xuất thô, anh Hải còn đầu tư máy móc để sản xuất phân bón lá từ trùn quế và sâu canxi. Sản phẩm này hiện được các khách hàng ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận sử dụng nhiều nên có lúc sản xuất không kịp cung ứng cho khách hàng.
 HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.