(GLO)- Hơn 45 năm trôi qua kể từ lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một lần gặp Bác Hồ nhưng trong ký ức của bà vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Kể cho chúng tôi nghe mà như những thước phim chầm chậm quay về trong từng cung bậc cảm xúc.
Được sự giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư Đỗ Tiến Giang, tôi quyết định tìm đến nhà bà Hồ Thị Thừa. Tuy bước sang tuổi 67 nhưng giọng bà rất rành rẽ và ấm áp.
Tuổi thơ giác ngộ cách mạng
Bà Hồ Thị Thừa quê ở Triệu Ẩu (nay thuộc TP. Huế) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm bà lên 5 tuổi thì cha bị Pháp sát hại, đến 7 tuổi mẹ cũng hy sinh trong nhà tù. Lòng căm thù giặc khiến bà sớm giác ngộ cách mạng. Từ một thôn nữ tất bật với chuyện ruộng vườn, bếp núc, bà Thừa trở thành nữ chiến sĩ Đội Biệt động TP. Huế. Với sự nhanh nhẹn và bản lĩnh cách mạng tuyệt vời, 5 năm hoạt động trong lòng địch (1962-1967), bà Hồ Thị Thừa đã có những thông tin quý giá để bảo vệ tổ chức, bảo vệ cơ sở cách mạng.
Bà Thừa cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng. Ảnh: L.V.N |
Đầu tháng 3-1967, trong một lần đi đưa tài liệu, bà bị bọn mật thám đeo bám. Biết tình thế gian nguy nên bà đã hủy tài liệu sau đó nhảy xuống cầu Vân Dương trốn thoát. Tuy không còn chứng cứ nhưng lính thám báo vẫn bắt bà tại cầu Vân Dương đưa về quê nội Thủy Vân-Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) tra tấn. Sau đó, chúng tiếp tục đưa bà đến cầu Vân Dương tra tấn bằng dùi cui và đổ nước xà phòng vào miệng. Dù chết đi sống lại nhiều lần nhưng bà vẫn giữ lòng trung kiên. Do không đủ chứng cứ nên đầu tháng 12-1967, địch buộc phải trả tự do cho bà.
Sau khi được trả tự do, bà Hồ Thị Thừa gia nhập vào Tiểu đội Võ Thị Sáu (còn gọi là Tiểu đội 11 cô gái sông Hương) tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 8-1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được sự yểm trợ của K10, Đoàn 5 của Quân khu IV đã đánh úp cả một trung đội biệt kích Mỹ, giết chết nhiều tên Mỹ-Ngụy, bắn cháy 5 xe bọc thép. Sau trận đánh này, bà bị bệnh tim được tổ chức đưa ra miền Bắc điều trị. Khi ấy Hồ Thị Thừa vừa bước sang tuổi 21.
Tràn đầy cảm xúc
Trên đường ra Bắc do sức yếu nên bà nhiều lần phải nằm trên cáng. Cuối tháng 8-1968, bà mới tới được khách sạn chuyên gia Hà Nội (83 Lý Nam Đế-Hà Nội). Tại đây, cô gái Huế-Hồ Thị Thừa được bố trí về sinh hoạt cùng chung phòng với nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Tạ Thị Kiều và nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Kan Lịch. Ngày 2-9-1968, bà Thừa cùng với nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang và điển hình tiên tiến hai miền Bắc-Nam được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp.
Đại tướng đã ân cần thăm hỏi từng người, hoàn cảnh mỗi gia đình. Tại đây, cô gái Huế-Hồ Thị Thừa kể cho Đại tướng nghe về tuổi thơ ở quê nhà và sự gan dạ của 11 cô gái sông Hương. “Khi biết hoàn cảnh của tôi, Đại tướng căn dặn: “Cháu ra đây trước hết điều trị cho khỏe, sau đó là học văn hóa”. Đại tướng còn hỏi: “Cháu có muốn gặp Bác Hồ không?”. Quá bất ngờ tôi reo lên vui sướng: Dạ, muốn lắm ạ!”-bà Thừa kể lại.
10 ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở lại thăm và thông báo với đoàn Anh hùng lực lượng vũ trang, điển hình tiên tiến hai miền Bắc-Nam sẽ được gặp Bác Hồ. “Chắc có lẽ tôi là người nhỏ nhắn nhất trong đoàn (bấy giờ khoảng 30 kg) nên trước khi về Phủ Chủ tịch, Đại tướng đã nhận ra tôi ngay và ông đã ân cần hỏi: “Ở đây ăn có ngon không? Ngủ có được không? Có nhớ quê không?”-bà Thừa nhớ lại. Thủ tướng cũng thân mật thăm hỏi mọi người và tiến lại gần tôi bảo: “Cháu chuẩn bị đi công tác với bác”. Quá bất ngờ nhưng tôi kịp trấn tĩnh: “Dạ, cháu biết gì đâu mà đi công tác”. Bác Phạm Văn Đồng bảo: “Cứ đi với bác, không sao đâu”.
Bà Hồ Thị Thừa nhớ lại: “Hôm đến Phủ Chủ tịch, tôi hồi hộp không tả xiết. Một thoáng tôi nhận ra Bác Hồ từ cầu thang bước xuống, giản dị trong chiếc áo kaki sờn, để râu và mang đôi dép cao su. Tôi chạy lại ôm chầm lấy Bác và tự dưng nước mắt mình như cứ chực chờ trào ra. Bác cũng ôm lấy tôi. Hôm ở Phủ Chủ tịch, ngoài bác Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có cả bác Tôn Đức Thắng, bác Lê Duẩn và bác Trường Chinh.
*
Trước khi tiễn chúng tôi ra cửa, bà Thừa bộc bạch: “Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hiện hữu không bao giờ phai mờ về cách sống dung dị, đời thường để tôi nhắc nhở con cháu”.
Lê Văn Nhung