(GLO)- Lưu Bị-Quan Công-Trương Phi là 3 con người xa lạ-thời Tam quốc (năm 220-280)-chém rắn kết nghĩa anh em, mưu đồ nghiệp bá. Còn Nguyễn Nhạc-Nguyễn Lữ-Nguyễn Huệ là 3 anh em ruột cùng dấy binh, chém rắn đề cờ (hoặc được rắn dâng long đao) diệt Trịnh, đuổi Nguyễn, đánh Xiêm, phá Thanh vang dội (1771- 1801). Chuyện xưa nhưng nhắc lại vẫn còn mới nguyên, như giữa trùng điệp núi rừng Tây Nguyên đầy rẫy lạ lẫm, bất ngờ.
Đã lâu lắm rồi mới ghé lại miếu Xà. Đi cùng chúng tôi là bác Đặng Ngọc Mai, 65 tuổi, người có 20 năm trông coi, quét dọn, hương khói ngôi miếu này. Hoàng hôn xuống nhanh, không gian thoáng chốc vắng vẻ. Thảng hoặc, tiếng ô tô, xe máy và ánh đèn quét ngang màn tối. Miếu Xà ngày thường nhỏ bé, cũ kỹ, gần như chẳng để lại gì trong sự quan tâm của con người bỗng trở nên có một sức hút, một ma lực kỳ lạ lúc đêm về. Ánh sáng từ bó nhang cháy đỏ đủ thấy một kệ thờ và lư hương lưa thưa chân cắm. Lấy tinh thần, chúng tôi tiếp tục ngồi lại một lát.
Khu di tích Miếu Xà. Ảnh: Lê Nam |
Cụ Mai rù rì to nhỏ: Thường ngày ít ai biết về ngôi miếu này. Chỉ những người quan tâm đến chuyện xưa, cầu mong đi đường bình an, mới ghé lại thắp hương khấn vái. Khách tham quan thường tỏ ra ngạc nhiên trước sự nhỏ bé, sơ sài và đều lấy làm tiếc cho địa phương sở hữu di tích.
Hẳn chúng ta ít nhiều nghe kể, xem phim hay đọc ở đâu đó về truyền thuyết “cây ké phất cờ, cây cầy nổi trống”, về miếu Xà và nhiều di tích lịch sử khác trong quần thể 10 di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Những di tích này hiện nay phần lớn nằm trên địa bàn 4 huyện, thị xã: An Khê, Đak Pơ, Kông Chro và Kbang, tỉnh Gia Lai. Dẫu hãy còn nhưng lớp bụi thời gian phủ dày cùng với sự thờ ơ của con người đã làm cho di tích ngủ quên và hư hại.
Không nhìn rõ do trời tối nhưng dưới gốc đa to ven quốc lộ 19, miếu Xà vẫn đấy, ở thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê. Nhà truyền thống ở An Khê đình ghi rằng, khi đại binh Tây Sơn tiến đánh chúa Nguyễn đến đèo An Khê thì thấy một con rắn to bằng cây cột nhà từ trên cây ké bò xuống chắn ngang đường khiến binh mã sợ hãi lùi lại. Nguyễn Nhạc liền xuống ngựa tuốt gươm chém chết con rắn, lấy máu đề cờ xuất binh đánh giặc và nhanh chóng thu được thắng lợi.
Bia trước đình Cửu Đạo. Ảnh: Lê Nam |
Truyền thuyết khác cho rằng, không phải chỉ một mà là một đôi rắn thần rất lớn, nằm chắn ngang đường. Sau khi Nguyễn Huệ khấn xin thì rắn thần liền dạt ra, lại dẫn đường cho đại binh, đến thôn Thượng An chui vào hang đá ngậm một thanh kiếm thiêng dâng lên Nguyễn Huệ, sau đó biến mất. Sau ngày thắng lợi, Nguyễn Huệ đã cho lập miếu Xà thờ thần rắn ghi nhớ công ơn dẫn đường và dâng gươm báu.
Trong tác phẩm “Nước non Bình Định”, cụ Quách Tấn có kể chi tiết hơn: Con rắn dâng long đao cho Nguyễn Huệ là rắn mun đen tuyền, to lớn. Tác phẩm cũng đề cập đến địa danh cây cầy, cây ké là nơi Nguyễn Nhạc tế cờ trước khi xuất binh, vốn lan truyền trong dân gian ở miệt dưới đèo An Khê, còn miếu Xà là nơi Nguyễn Huệ được rắn thần dâng kiếm truyền lại của cư dân trên đèo.
…Hồi lâu, bó nhang đã cháy hết. Không gian tĩnh lặng bỗng trở gió. Chúng tôi chia tay bác Mai. Xe vụt đi, hình ảnh miếu Xà lùi vào màn đêm nhưng chưa kịp tan trong đầu chúng tôi câu chuyện xưa huyền hoặc.
Cũng với An Khê, ngoài miếu Xà linh thiêng, người dân vẫn còn kháo nhau nhiều chuyện về loài rắn. Đưa chúng tôi đến đình Cửu Đạo (Tú Thủy, thị xã An Khê), cụ Phạm Nhi 79 tuổi, nhà ở gần đó, kể: Trước đây khi đình chưa bị sập và cây cà te cổ thụ trước đình chưa bị đốn hạ, người dân thường thấy một cặp vợ chồng rắn to như cột nhà, sống quanh quẩn ngôi đền, khi trời nắng đẹp thì ra bàu nước gần đó để tắm. Cặp rắn chưa bao giờ hại ai cả. Khi có người đến đình thắp hương hoặc đi làm gặp phải, chắp tay khấn vái là rắn bò đi nơi khác.
Sử địa phương ghi, đình Cửu Đạo là một trong những nơi ngày xưa nghĩa quân Tây Sơn dừng chân trên đường chinh phạt và cũng là nơi nuôi giấu bộ đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Hiện đình bị sập hoàn toàn và cây cối, dây leo um tùm phủ kín. Ngày thường rất ít ai đến gần ngôi đình. Ông Phan Đình Tư-người chủ tế cúng đình cho biết: đình là nơi thờ cúng thần linh. Cứ vào ngày 16-2 Âm lịch, người dân Cửu Đạo và lân cận dọn dẹp vệ sinh và cúng đình, cầu nguyện sức khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Nhân dân rất mong nhà nước quan tâm phục dựng lại đình để có nơi thờ cúng tử tế.
Chuyện miếu Xà, cặp rắn to ở đình Cửu Đạo và nhiều câu chuyện khác liên quan về rắn có nguồn gốc thực tế từ vùng đất Bắc Tây Nguyên hình thành lâu đời, sở hữu trong mình hệ thống động-thực vật phong phú. Cùng với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, rắn đã đi vào truyền thuyết góp phần tạo nên sự thiêng hóa cũng như vẻ đẹp huyền ảo trong kỳ tích hào hùng, lừng lẫy của 3 anh em nhà Tây Sơn.
Có thể có những lý giải khác nhau về những mô tip, tình tiết giống nhau nhưng chiến công hiển hách của nhà Tây Sơn, đặc biệt là tài năng quân sự lỗi lạc của Quang Trung thì mãi mãi trường tồn với thời gian. Kể chuyện rắn năm Quý Tỵ ngỏ hầu góp vui với độc giả nhân lúc nhàn tản Xuân về, thêm một lần ghi nhớ công lao người anh hùng áo vải cờ đào, nhớ lại trang sử chói lọi trong lịch sử vẻ vang của nước nhà để càng thêm yêu quý, tự hào và ra sức bảo vệ, gìn giữ Tổ quốc mến yêu.
Thất Sơn-Lê Nam