Những mùa thạch thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi thích hoa từ bé. Không hẳn vì thiên tính nữ mà đơn thuần là tình yêu cái đẹp. Tôi chưa từng thấy loài hoa nào xấu cả, mỗi loài luôn đẹp theo cách riêng của nó. Và giữa muôn vạn loài hoa đang ươm sắc gieo hương cho cuộc đời này, tôi dành một góc nhỏ trong tim cho nhành hoa thạch thảo.

Thạch thảo đơm cánh mỏng quanh năm nhưng mùa này là rộ nhất, kéo dài mãi cho đến cuối thu, khi mà một số loài hoa khác đã bắt đầu tàn úa. Tôi đặc biệt thích điều này, sự muộn màng của tự nhiên ắt có cái lý riêng của nó. Hoa thạch thảo nở muộn, e ấp và khiêm nhường, mềm mại và thanh tú, không gợn chút kiêu sa. Có người gọi chúng là cúc dại, tôi không phiền lòng, lại cho đó là một cái tên gần gũi và thân thương lắm. Loài hoa thuộc họ cúc này thường mọc thành từng bụi, từng khóm, bung tỏa một khoảng trời dìu dịu tím. Thi thoảng, tôi vẫn bắt gặp chút sắc trắng, sắc hồng… nhưng  thạch thảo tím vẫn hiện diện ở nhiều nơi hơn cả.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Ngày bắt đầu đem lòng yêu thạch thảo cũng là ngày tôi thoáng buồn khi nhận ra chúng sớm nở chóng tàn. Dẫu có nương nhờ mạch nước cũng chỉ khoe sắc được đôi ba hôm rồi phai úa. Nhưng có điều thật lạ mà đối với tôi đến giờ vẫn là câu hỏi dở dang một lời đáp: Vì sao người ta lại lấy hình ảnh của loài hoa dễ phai tàn này để gọi tên cho sự vững bền, son sắt. Có phải vì thạch thảo luôn là hình bóng của những kỷ niệm xưa cũ, day dứt và khó lòng lãng quên?

Tôi vẫn giữ thói quen mua hoa, như một cách tự làm dịu lòng mình những khi cuộc sống thường nhật có đôi phần mỏi mệt. Tôi ít chọn mua hoa ở những cửa hàng lộng lẫy trên phố thị mà thường ghé qua bất kỳ gánh hoa nào ở góc chợ cũ, “nhặt nhạnh” vài nhành thạch thảo vô tình bị bỏ quên nơi cuối ngày. Từ dạo Phố núi còn bị ảnh hưởng bởi cơn bão xa, mưa cứ neo theo giọt chiều mà đổ xuống từng con phố, những cánh thạch thảo tím ướt nhèm, xác xơ trên yên xe đạp của bà cụ đã còng lưng mỏi gối giữa ngã tư đường. Tôi chạnh lòng, dừng lại mua hết thảy, về đủ cắm hai bình…

Tôi vẫn mơ về một ngôi nhà nhỏ. Ở nơi ấy, ban công sẽ trồng thật nhiều hoa thạch thảo. Rồi sẽ có những chiều chỉ mình tôi với hoa cỏ, tâm hồn tôi bình yên và biết đâu lại khám phá ra thật nhiều niềm vui sống. Có lẽ, mùa hoa thạch thảo từ lâu đã trở thành hạt giống ươm mầm hạnh phúc, vì ngày tôi có hoa bên mình là ngày trái tim có nắng.

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...