(GLO)- Mặc cho ngoài trời đang mưa to, gió lớn, bên trong Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) vẫn rộn vang tiếng trò chuyện, cười đùa hồn nhiên của 3 em nhỏ là “con nuôi” của Đồn. Thỉnh thoảng, những ngày không đến lớp, các em lại ghé thăm các “cha nuôi” là những người lính “quân hàm xanh”.
Trong 3 người “con nuôi” của Đồn Biên phòng Ia O, Siu H’Ly (làng Cúc) nay đã bước sang tuổi 18, còn Kpuih Hiếu (làng Kloong) và Rơ Lan H’Ly (làng Mít Chép) cũng đã 11 tuổi. Nếu như Hiếu và Rơ Lan H’Ly còn khá bẽn lẽn khi thấy đơn vị có khách ghé thăm thì ngược lại, Siu H’Ly lại rất xăng xái pha trà, rót nước mời khách. Có lẽ, 11 năm làm “con nuôi” của Đồn là khoảng thời gian đủ dài để Siu H’Ly thuộc từng ngóc ngách và quen luôn với nhiều vị khách hay ghé thăm “ngôi nhà thứ 2” của mình.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O và 3 đứa “con nuôi”. Ảnh: P.D |
Dù 11 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, Siu H’Ly vẫn không thôi nghẹn ngào: “Nếu không có các “cha nuôi”, chắc em cũng đã chết theo bố mẹ và em trai lâu rồi!”. Chỉ vì nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, bố mẹ H’Ly đã bỏ lại làng quê tìm đường vượt biên sang Campuchia, những mong sớm hưởng thụ cuộc sống giàu sang nơi “miền đất hứa”. Nhưng chưa kịp đến “miền đất hứa” thì chiếc thuyền chở gia đình H’Ly đã bị lật ngay giữa dòng sông, trong đêm tối. Mẹ và em trai H’Ly bị dòng nước cuốn trôi, riêng H’Ly được bố kịp đẩy lên một tảng đá nhô cao giữa dòng sông trước khi ông bị dòng nước nhấn chìm. Từ chỗ có một gia đình yên ấm, bỗng chốc, cô bé 7 tuổi Siu H’Ly trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thương cho hoàn cảnh của em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O đã xin với làng nhận em làm “con nuôi”. Từ đó đến nay, em được lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người cha “quân hàm xanh”.
Tuy nhiên, để tiện việc sinh hoạt và học tập, đơn vị vẫn để em sống cùng bà cố ngoại và gia đình người họ hàng dưới làng Cúc. Hàng tuần, hàng tháng, ngoài việc gửi tiền ăn uống, sinh hoạt cho em, đơn vị còn cử người xuống gia đình động viên, thăm hỏi, giúp em vượt qua khó khăn. Hiểu được tấm lòng của những người “cha nuôi”, Siu H’Ly dần vượt qua mặc cảm, nỗi đau mất mát. Năm học vừa qua, em đã tốt nghiệp THCS. Bà Rơ Mah H’Lố-bà cố ngoại của Siu H’Ly, chia sẻ: “Mình già rồi, chỉ muốn nó (Siu H’Ly-P.V) học xong THCS rồi ở nhà phụ chăm sóc vườn điều, nhưng nó bảo phải đi học để có kiến thức, có nghề sau này không bị người xấu dụ dỗ, không phải khổ nữa”.
Theo Đại úy Phan Công Thắng, riêng với trường hợp của Siu H’Ly, mỗi tháng đơn vị hỗ trợ khoảng 900 ngàn đồng; còn đối với Rơ Lan H’Ly và Kpuih Hiếu, đơn vị trích kinh phí hỗ trợ 500 ngàn đồng/cháu/tháng. Sắp tới, đơn vị cũng sẽ trích một phần kinh phí mua sách vở, áo quần, dụng cụ học tập… để các cháu bước vào năm học mới. |
Tốt nghiệp THCS, thay vì tiếp tục theo học THPT, Siu H’Ly đề đạt nguyện vọng với các “cha nuôi” rằng: “Con muốn học nghề để sớm có công việc ổn định!”. Trước mong muốn của em, các cán bộ Biên phòng đã gặp gỡ thầy-cô giáo trực tiếp dạy em để hiểu rõ hơn về học lực và tham khảo ý kiến, sau đó mới quyết định nộp hồ sơ cho em theo học Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai hệ Trung cấp, ngành Công tác xã hội. “Cha nuôi” Siu Phin (Trung úy Siu Phin-nhân viên vận động quần chúng của Đồn-P.V) mới chở em đi may 2 bộ quần áo mới để chuẩn bị cho năm học. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng của các “cha nuôi” đã quan tâm, lo lắng”-Siu H’Ly hứa. Trao đổi về trường hợp của Siu H’Ly, Đại úy Phan Công Thắng-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia O, cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, đơn vị sẽ nhận nuôi đến khi cháu đủ 18 tuổi. Song cháu có mong muốn được tiếp tục học nghề để sau này có nghề nghiệp ổn định, phụ giúp bà, vì vậy đơn vị sẽ tiếp tục nhận nuôi cho đến khi cháu học xong”.
Ngoài Siu H’Ly, hơn một năm qua, đơn vị còn nhận “Nâng bước em đến trường” em Rơ Lan H’Ly-học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và mới đây là em Kpuih Hiếu-học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Rơ Lan H’Ly mồ côi mẹ, còn Kpuih Hiếu mồ côi bố. Mẹ chết khi H’Ly còn rất nhỏ, bố vì không chịu nổi cảnh nghèo khó nên không lâu sau cũng bỏ mặc 3 anh em H’Ly cho ông bà ngoại già yếu nuôi dưỡng rồi đi lấy vợ khác. Trong ngôi nhà nhỏ chẳng có thứ gì đáng giá ở làng Mít Chép, bà Rơ Lan Koich-bà ngoại của Rơ Lan H’Ly, thở dài: “Mình có gì thì các cháu mình ăn đấy! Nhưng mai mốt mình già, mình chết rồi không biết 3 đứa sẽ sống ra sao”. Nói về việc học của Rơ Lan H’Ly, bà Rơ Lan Koich cho biết: “Cháu mình được đến trường, được biết chữ, mình biết ơn bộ đội lắm! Mình sẽ nhắc nhở cháu cố gắng học”.
Phương Dung