Những cung đường xứ núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thỉnh thoảng, tôi lại “kiếm cớ” để có thể buông lỏng những xúc cảm ở mình. Rủ rê hội chị em lang thang đâu đó nếu sắp xếp được thời gian hoặc tranh thủ ra ngoại ô, loanh quanh trong những hẻm nhỏ vắng người để hít thở bầu không khí trong lành và nhìn ngắm trời mây.
Tôi yêu những cung đường ở xứ núi này. Những cung đường không quá hiểm trở, cheo leo heo hút như đường đèo nơi miền núi phía Bắc mà tôi đã được trải nghiệm. Miền núi phía Bắc có những cung đường tạo cho con người cảm giác ngộp thở, thót tim. Tôi đã từng không dám thở mạnh khi ngồi trong chiếc xe chậm chạp bò qua những khúc cua tay áo, một bên là vách đá sừng sững vút tận mây xanh, một bên là vực sâu hun hút không nhìn thấy đáy. Sự cheo leo, hiểm trở quá mức thường tạo cho con người cảm giác sợ hãi hơn là thích thú, trừ những người có thần kinh vững và ưa thích mạo hiểm.
Những cung đường Tây Nguyên vừa đủ độ dốc, những con dốc uốn lượn mềm mại quanh co nằm xen lẫn với núi non mây trời. Từ Pleiku có thể theo quốc lộ 14 để sang Buôn Ma Thuột, rồi từ Buôn Ma Thuột qua Đà Lạt. Cũng từ Pleiku có thể theo quốc lộ 19 xuôi đèo để xuống xứ dừa Bình Định, tắm biển Quy Nhơn. Từ Pleiku, men sang Kon Tum nán lại một chút ngồi với dòng Đak Bla, rồi đến xứ Măng Đen ba hồ bảy thác, ngược Ngọc Hồi, lên cửa khẩu Bờ Y… Suốt dọc những hành trình ấy, núi đồi luôn lẩn khuất trong cây lá, cả ngày hết lên đèo lại xuống dốc, có những đoạn đường đẹp như tranh vẽ, nhất là những đoạn trồng nhiều thông.
Đèo An Khê nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Đèo An Khê nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Tây Nguyên mùa này đang mang trong mình những khoảnh khắc thu. Mùa thu rơm rớm chạm vào núi đồi, thoáng ẩn thoáng hiện, dịu nhẹ như khói sương. Những cung đường, nhờ tiết trời dìu dịu như vậy mà cũng mang một vẻ nên thơ. Đôi đoạn sương mù giăng tràn lên cây lá, cảnh vật đượm vẻ liêu trai. Đôi đoạn nắng lại ươm vàng lên hàng cây đang vào độ lá chuyển màu. Mùa này nếu đi qua những đoạn quốc lộ, sẽ thấy người dân hai bên đường bày bán những sản vật địa phương, nhiều nhất là bơ và sầu riêng. Vẻ no ấm hiện diện thật rõ nét.
Nếu chỉ lướt qua những con đường để đến nơi cần đến thì chúng ta sẽ mong đến đích thật nhanh. Và vì thế, có thể sẽ bỏ qua những vẻ đẹp, mà vì vội quá, ta không chú ý. Người ta làm ra những con đường với mục đích thuận tiện cho việc di chuyển từ một không gian này đến một không gian khác. Nhưng rồi, con người cũng sáng tạo ra rất nhiều thứ khác nữa, như những gia vị để khiến cho những con đường trở nên đẹp đẽ, như trồng thêm cây xanh, tạo những bồn hoa, kết đèn chùm…
Đôi khi, trên một hành trình, ta bỗng muốn chậm lại vì một dáng núi thấp thoáng ngoài cửa xe, cái vẻ xanh mát của một ngọn núi vấn vít mây trắng làm con người cũng chợt như bồng bềnh theo. Hoặc những hàng cây thẳng tắp vươn mình giữa trời xanh dịu mát như níu chân ta lại. Hoặc chỉ là một con dốc dịu dàng uốn mình vòng qua một sườn đồi, để mở ra những cảnh vật khác, thi vị, bất ngờ…
Tôi mở một bản tình ca, ngoài kia mùa thu rơm rớm trên đồi núi, tôi khe khẽ hát theo, khi xe chầm chậm ôm cua qua một đoạn đường rất đẹp…
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...