(GLO)- Đi bộ ròng rã gần 1.800 km qua 20 tỉnh thành trong 65 ngày… Đó là những con số ấn tượng trong chuyến hành trình của bạn trẻ Võ Mạnh Tuấn với mục tiêu: Gây quỹ “Tiếp sức đến trường, vững chí ra khơi”.
Ngày 21-9, Võ Mạnh Tuấn đã kết thúc chuyến hành trình kéo dài hơn 2 tháng từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh trong sự chào đón, cổ vũ nhiệt tình của bạn bè và người thân ngay trước cổng Hội trường Thống Nhất. Và tối 28-9 vừa qua, Tuấn cũng đã có buổi giao lưu tại Pleiku nhằm tiếp tục vận động để có nhiều hơn nữa những cánh tay cùng chung sức giúp con em ngư dân nghèo trên khắp các vùng miền trong cả nước được đến trường.
Trên “đường thiên lý”
Thầy giáo trẻ Võ Mạnh Tuấn bên tấm bản đồ ở nhà trưng bày Lý Sơn (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đi xe máy xuyên Việt, đạp xe xuyên Việt là chuyện không hiếm, nhưng đi bộ xuyên Việt như Võ Mạnh Tuấn có lẽ là việc ít người làm được. Tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn-ngành Công tác xã hội, Tuấn trở thành giáo viên môn Nghề Công tác xã hội-Trường Trung cấp Nghề Kon Tum, đồng thời đảm trách vai trò Bí thư Đoàn trường. Giáo viên trẻ này cũng vừa học xong thạc sĩ Quản lý Giáo dục. Tuấn chia sẻ, cách đây 7 năm, trong một lần được xem những hình ảnh về cuộc hải chiến Gạc Ma năm 1988, trong Tuấn trỗi lên những cảm xúc mãnh liệt. Rồi liên tiếp những vụ việc ngư dân Việt Nam bị tấn công gần đây trên chính vùng biển của mình càng thôi thúc Tuấn làm gì đó cho những người đang ngày đêm bám biển, đặc biệt là con em của họ. Vậy là chàng trai sinh năm 1987, thích những gì luôn mới, luôn vận động và sáng tạo đã quyết tâm thể hiện lòng yêu nước bằng một hành động thiết thực.
Để có thể thực hiện chuyến hành trình mà nhiều người cho là “trời đày”, Tuấn đã bỏ thời gian dài luyện tập để đi bộ 4 tiếng mỗi ngày với chiếc ba lô nặng xấp xỉ 20 kg. Tuấn cũng chi tiêu tiết kiệm để lận lưng số tiền hơn 10 triệu đồng đi đường.
Tuy vậy, mới đầu không phải ai cũng ủng hộ ngay ý tưởng táo bạo của giáo viên trẻ này. Thậm chí, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kon Tum cũng nghi ngờ: “Anh mà đi bộ tới Quy Nhơn thì tôi đã phục lắm rồi”. Một số người lại cho rằng đây là một cách đánh bóng tên tuổi. Nhưng có theo dõi hành trình của bạn trẻ này mới hiểu, nếu chỉ để đánh bóng thì có rất nhiều cách, không nhất thiết phải “khổ hạnh” đến thế. Tuấn thì bình thản chia sẻ: Đã chấp nhận làm những gì khác với bình thường thì cũng cần chuẩn bị tâm lý cho những dư luận. Có lẽ vì vậy mà trong suốt cuộc chuyện trò, Tuấn luôn nhắc đi nhắc lại, rằng việc làm của mình không có gì quá khác thường, chẳng qua là ít người làm.
Hơn 2 tháng qua, người dân ở các tỉnh dọc quốc lộ 1A đã quá quen với hình ảnh một chàng trai bụi phủi, da đen sạm vì nắng gió, trên lưng là chiếc ba lô cồng kềnh cùng lá cờ Việt Nam được giương cao. Một mình, nhưng không đơn độc, bởi “bên cạnh mình luôn có rất nhiều người ủng hộ và nhìn nhận ý nghĩa của chuyến hành trình. Có khi chỉ là một lời động viên của giới báo chí, sinh viên, những người dân bình thường nơi mình đi qua, nhưng vậy đã là hạnh phúc”-Tuấn bày tỏ. Trên đường đi, bằng tiền tiết kiệm dọc đường và tiền người dân ủng hộ, Tuấn đã trao tổng cộng 10 phần quà (trị giá 500.000-700.000 đồng/suất) cho con em ngư dân ở Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn.
“Nếu có ước mơ, hãy hành động”
Võ Mạnh Tuấn trên hành trình đến đảo Lý Sơn (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Cho đi để nhận lại-đó chính là triết lý sống mà bạn trẻ Võ Mạnh Tuấn đã mang theo bên mình trong chuyến hành trình dọc chiều dài đất nước. Không chỉ mang đến sức lan tỏa cho mọi người xung quanh về chuyến đi của mình, Tuấn còn học được rất nhiều điều. Đáng nhớ nhất là lần ra đảo Lý Sơn-Quảng Ngãi (tuy không có trong kế hoạch hành trình), được nghe người dân kể về cuộc mưu sinh đầy gian khó ở ngư trường Hoàng Sa, Tuấn càng thêm hiểu: Những người ở đất liền như hậu phương vững chắc. Vậy thì hãy làm gì đó, đừng chờ đợi có ai đó sẽ làm. Giới trẻ nếu có ước mơ, dù nhỏ, thì hãy cứ hành động.
Quỹ “Tiếp bước đến trường-vững chí ra khơi” mong tiếp tục nhận được sự đóng góp của các cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh. Mọi đóng góp xin gửi về Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Kon Tum, số tài khoản 0761002349346 tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Kon Tum. |
Cũng như bao kẻ độc hành khác, thử thách lớn nhất với Tuấn không phải là sự khó khăn dọc đường đi mà là nỗi cô đơn, nỗi sợ hãi từ chính trong lòng mình. Đôi khi muốn bỏ ba lô xuống và nghỉ ngơi, nhưng “vượt qua tất cả, mình sẽ cứng cỏi hơn”. Đôi khi cũng gặp sự nghi ngại trong những ánh nhìn, nhưng theo Tuấn: “Người Việt mình rất tốt. Nếu sự chân thành của mình đủ sức chạm vào trái tim của họ, họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ”. Những lần đếm bước chân trên đường cũng là lúc Tuấn đúc rút được nhiều nhất những bài học từ cuộc sống. “Nhu cầu về vật chất thì ai cũng có. Có người nghĩ rằng có chiếc xe máy, có chiếc điện thoại thông minh hay một ngôi nhà, đó là hạnh phúc. Nhưng đôi khi hạnh phúc chính là những điều mình cho đi và nhận lại. Để rồi khi những thứ vật chất mất đi, nhìn thấy hình ảnh mà mình đã gửi gắm trong lòng người khác vẫn còn đó thì mình vẫn thấy hạnh phúc”.
Hơn 2 tháng ròng rã đi bộ xuyên Việt để vận động gây quỹ, Tuấn cho biết số tiền gửi về ủng hộ cho quỹ đến nay là hơn 25 triệu đồng. Một con số quá khiêm tốn so với công sức và mong muốn của thầy giáo trẻ này. “Bạn có nghĩ chuyến đi đã thất bại?”. Tuấn trả lời rất nhẹ: “Thất bại nghĩa là không làm gì cả. Có những con đường nếu không đi sẽ chẳng bao giờ tới…”. Chính vì vậy, dù hành trình đã kết thúc nhưng quỹ “Tiếp sức đến trường-vững chí ra khơi” sẽ tiếp tục huy động thêm sự chung tay của xã hội để những học sinh miền biển được đến trường, giúp ngư dân vững lòng bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Phương Duyên